“Cần câu mới” giúp người dân xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) có cơ hội thoát nghèo

Cập nhật 29/9/2016, 14:09:33

Xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) là vùng đất giàu truyền thống anh hùng trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, trình độ sản xuất của người dân còn thấp.

Nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn (IFAD) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình cây trồng vật nuôi mới.  Không chỉ giúp bà con nắm được phương pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc làm này còn mở ra cho họ nhiều cơ hội và  hy vọng thoát nghèo.

29-9-cancau

Gia đình chị Sô Thị Hạnh là một trong 8 hộ dân được tham gia vào nhóm chăn nuôi bò ở Buôn Ma Giai, xã Đất Bằng. Bắt đầu từ năm 2014, nhóm của chị được dự án IFAD cấp cho 8 con bò với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Cùng với đó, chị còn được tập huấn về kỹ thuật, phương pháp nuôi bò sao cho hiệu quả. Đến nay, đàn bò của nhóm sinh trưởng, phát triển tốt và đã có thêm 2 bò con. Hiện, 3 con bò khác cũng đang mang thai. Không chỉ nắm chắc một số vốn trong tay để khởi nghiệp, chị Hạnh lựa chọn hướng chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình .

Chị  Hạnh cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, không biết làm gì ngoài trồng mỳ, nhưng được tham gia dự án nuôi bò tôi cảm thấy phấn khởi  và hy vọng lắm”.

Quẩn quanh trong đói nghèo với cây mỳ, bắp, mía do phương pháp canh tác lạc hậu là tình cảnh chung của nhiều hộ dân ở xã Đất Bằng. Tuy nhiên, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn đã mở ra cho gia đình chị Ksor H’ Vong khi chị được tiếp cận với mô hình nuôi heo đen. Sau đợt 1 với 32 con, nhóm nuôi heo của chị thu được 60 triệu đồng. Thấy có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng mỳ, chị lấy phần lợi nhuận được chia để tiếp tục đầu tư nuôi giống heo này và xem đây là hướng phát triển kinh tế mới của gia đình. Hiện đàn heo của gia đình chị lên đến 32 con.

Chị Ksor H’ Vong,  Buôn Ma giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa cũng nói: Nuôi heo này hiệu quả hơn mấy thứ khác. Mình được hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo. Mình sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi heo     Ông Nguyễn Thơ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đất Bằng, huyện Krông Pa cho biết: “Dự án IFAD hỗ trợ cho người dân ở xã tham gia nhiều mô hình: nuôi bò, dê, heo, trồng mỳ… Nhờ đó đến nay, người dân đã tiếp cận được với phương pháp mới, biết ứng dụng KHKT vào sản xuất. Hiệu quả bước đầu rất tốt. Nhờ đó, đời sống của người dân cũng đỡ hơn nhiều”.

Xã Đất Bằng hiện có hơn 930 hộ, trong đó hơn 95% là người DTTS. Do trình độ canh tác lạc hậu với các giống cây trồng, vật nuôi cũ kém năng suất nên thu nhập thấp. Hiện nay, xã có 49% thuộc hộ nghèo. Việc dự án IFAD đầu tư cho người dân tham gia các mô hình nuôi trồng giống mới như bò, heo, mỳ, dê… đã tạo ra những “cần câu cơm” mới, giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Nếu tiếp tục được nhân rộng để ngày càng có nhiều hộ dân được tham gia thì cuộc sống của người dân xã Đất Bằng được “thay da đổi thịt” là điều sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa./.

Ngô Thanh, Đặng Trà


Lượt xem: 164

Trả lời