Bóng cả làng Trol Đeng

Cập nhật 28/3/2024, 15:03:51

Từ một cốt cán trong tổ chức phản động FULRO trở thành người có uy tín tiêu biểu của huyện Đức Cơ, câu chuyện về ông Puih Hiơng (68 tuổi, già làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty) truyền cảm hứng về tinh thần kiên định, quyết tâm hướng thiện và tấm lòng tận tụy vì cộng đồng.

Năm 1977, ông Hiơng bị FULRO dọa dẫm, lôi kéo trốn ra rừng hoạt động suốt 2 năm ròng rã. Trong thời gian đó, FULRO phong cho ông những chức hữu danh vô thực là “Tiểu đoàn phó” kiêm công tác tham mưu. Đến đầu năm 1980, ông bị bắt tại Gia Lai, chấp hành án tại Trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam với mức phạt hơn 16 năm tù. Năm 1997, ông Hiơng được trở về làng Trol Đeng khi đã bước vào tuổi trung niên. Chính lúc này, người bạn học khi xưa là Ksor Blih – FULRO lưu vong tại Mỹ lại gọi về để lôi kéo ông tiếp tục đi vào con đường tội lỗi.

 Ông Puih Hiơng – Làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ  nói: “Ông Ksor Blih cho tôi 10 USD, tôi hỏi mục đích gì, bảo cho tôi uống cà phê. Tôi kiên quyết không nhận, tôi quyết định giờ tôi phải làm lại cuộc đời thôi. Mình về giúp bà con, nhất là ở Đức Cơ không hiểu lầm đi theo người khác. Mình nói với bà con mình đã trải qua rồi, bà con đừng nghe nữa. Sau khi tôi về, có người dẫn tôi đến Đại sứ quán, họ hỏi tôi muốn đi Mỹ không, tôi bảo tôi không đi. Tại vì ở đây mình có lợi hơn, mình giúp được bà con nhiều hơn. Mình đi bên kia mình thấy không được. Mình ở đây giúp bà con mình đừng đi nước ngoài, khỏi đi lung tung mới ổn định được.”

Hơn 26 năm ở làng Trol Đeng, ông Hiơng đã chứng kiến bao biến cố của các buôn làng trên địa bàn tỉnh khi một số bà con bị FULRO o ép, xúi giục gây rối, bạo loạn để rồi rơi vào vòng lao lý. Ông đồng hành cùng cán bộ Công an, chính quyền thuyết phục bà con không mắc mưu FULRO, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn huyện Đức Cơ.

Trung tá Nguyễn Văn Chinh – Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Đức Cơ trao đổi: “Đặc điểm của ông Hiơng khác với những người uy tín khác, ông là người trong cuộc. Ông đã từng bị FULRO tuyên truyền, lôi kéo, từng trốn ra rừng và phải đi cải tạo. Sau khi cải tạo xong, trở về với dân làng, suy nghĩ đầu tiên của ông là những gì ông đã vấp phải, ông tuyên truyền để trên địa bàn huyện Đức Cơ, nhất là người dân tộc thiểu số không mắc mưu FULRO và các thế lực thù địch, lôi kéo bà con thực hiện hành vi tội phạm. Từ năm 2000 đến nay, ông Hiơng đã cùng lực lượng  Công an huyện tuyên truyền, vận động các đối tượng có vị trí, vai trò trong tổ chức FULRO, bị tổ chức FULRO lôi kéo trên địa bàn toàn huyện, nhiều nhất là ở xã Ia Kla, xã Ia Pnôn. Ông Hiơng đã góp phần giữ vững an ninh chính trị và đấu tranh ngăn chặn phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”, chống trốn trên địa bàn.”

Hôm nay, chúng tôi cùng ông Hiơng đến thăm gia đình anh Rơ Mah Quýt (46 tuổi) và anh Ksor Thái (45 tuổi, ở cùng làng). Anh Quýt, anh Thái từng cùng với Kpuih Tuyl (35 tuổi) trốn sang Thái Lan vào năm 2015. Không chịu nổi cảnh cực khổ nơi đất khách quê người, họ trốn sang biên giới Campuchia tìm cách hồi hương. Nghe tin, ông Hiơng đã cùng lực lượng Công an trực tiếp vào rừng đón 3 người lầm đường trở về. Ông Hiơng còn đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Sau 8 năm nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, hiện nay, cả 3 gia đình đã ổn định. Riêng anh Quýt làm kinh tế khá nhất, hiện gia đình anh có 5 ha điều, 600 cây cà phê và anh mới xây được căn nhà to đẹp trị giá 500 triệu đồng. Có được cuộc sống sung túc hôm nay, họ luôn biết ơn người già làng đã giúp họ đứng lên từ lầm lỗi.

Anh Rơ Mah Quýt – Làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ cho biết: “Hồi đó người ta rủ đi Thái, nói là 2-3 ngày thì đến nước thứ 3 luôn. Nhưng mà đến đó thì anh em bên đó nói là: bên này khổ lắm, không được đi nước thứ 3 đâu, đi làm thuê làm mướn cho người ta thôi. Ở đó vài ngày là muốn về rồi mà không biết đường về. Ở bên Thái đi làm thuê mỗi ngày kiếm hơn trăm bạc nhưng tiền thuê nhà, điện nước, cơm ăn không đủ, đau ốm không có tiền mua thuốc. Ở Thái 2 tháng thì theo một người Campuchia nhập cư về Campuchia, ở đó thêm 2 tháng nữa rồi mới về lại quê được. Đến biên giới Campuchia thì chú Hiơng lên tận nơi đón em về, tạo điều kiện cho em vay vốn làm kinh tế.”

Cuộc sống của ông Hiơng ở làng Trol Đeng mỗi ngày trôi qua bình yên. Với mong muốn đẩy lùi những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Jrai, ông vận động bà con đau ốm phải đến trung tâm y tế chữa trị, không mời thầy cúng, thầy bói, không tin “ma lai, thuốc thư”. Ông cũng khuyến khích bà con duy trì các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, tập đánh cồng chiêng, múa xoang… Ông Hiơng còn tự nguyện hiến tặng 3 sào đất để dân làng có không gian chung để tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống. Với những đóng góp đó, ông 6 lần được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen; 10 lần được Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua yêu nước.

Thúy Trinh – Nông Hòa


Lượt xem: 1

Trả lời