Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bạch hầu

Cập nhật 09/7/2020, 18:07:54

Xác định tình hình dịch bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước, đó là số trường hợp mắc cho đến thời điểm này tăng gấp ba lần, xuất hiện nhiều nơi với nhiều nhóm tuổi và tỷ lệ tử vong  cao. Do vậy, để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu trên cả nước, sáng nay (9/7), Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bạch hầu. GS. TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì buổi làm việc, cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo cơ quan trực thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo một số địa phương.
Về phía tỉnh Gia Lai có đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà – Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

 Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 66 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó tỉnh Đak Nông là 25 ca, Kon Tum 24 ca,  Đak Lăk 1 ca và tỉnh Gia Lai 16 ca. Đáng lưu ý là trong 53 ca đầu tiên dương tính với bệnh bạch hầu thì có đến 25 ca mang trùng, 28 ca có biểu hiện bệnh.  Qua đánh giá ban đầu, những ca nhiễm bệnh hầu hết là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn nhưng phát hiện muộn. Cũng qua xem xét tiền sử tiêm chủng của người mắc bệnh đa số các trường hợp đều không được tiêm vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Riêng đối với tỉnh Gia Lai, ngay sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, ngành Y tế Gia Lai đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tập trung triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu; thành lập ngay các tổ chống dịch cơ động, khám sàng lọc cho 1.431 lượt người và cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng 18.690 liều Erythromycin cho nhân dân tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa; phát hiện 36/40 trường hợp có biểu hiện các triệu trứng ho, đau họng, họng có giả mạc.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế cho rằng việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu trên cả nước cần phải thực hiện ngay, tiêm phòng vắc xin cũng phải đúng đối tượng; Coi việc cách ly những trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu như cách ly các trường hợp nghi nhiễm Covid – 19. Trên cơ sở các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid – 19, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bạch hầu từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, cấp xã.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, GS. TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá bệnh bạch hầu không phải là mới, tuy nhiên cái khó khăn ở đây là nếu như trước đây bệnh chỉ xuất hiện rải rác với tốc độ lây lan chậm thì năm nay, bệnh lại diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng, nghiêm trọng hơn là đã có trường hợp tử vong. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta phải phát hiện sớm dịch bệnh, nhận định đúng tình hình để ứng phó.

Đối với công tác phòng bệnh bạch hầu, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về vắc xin.Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải phát hiện sớm, cách ly ngay, khoanh vùng kịp thời; đặc biệt khi phát hiện ca bệnh không chờ đến kết quả xét nghiệm mà phải tiến hành điều trị ngay. Song song với phòng chống dịch bệnh bạch hầu, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y cũng cho rằng chúng ta không được phép quên công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19, bởi kinh nghiệm cho thấy một trong những thành công trong phòng chống dịch bệnh Covid – 19 tại Việt Nam đó là chúng ta đã thực hiện rất tốt việc truy vết bệnh nhân. Kinh nghiệm đó cần phải được phát huy trong đợt phòng, chống dịch bạch hầu đang diễn biến hết sức khó lường như hiện nay, nhất là đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 26

Trả lời