Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện thường xuyên, liên tục

Cập nhật 04/4/2024, 17:04:12

Sáng nay (04/4), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến giao ban công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực Quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2024. Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Tỉnh ủy có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu UBND tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Trong Quý I năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt và triển khai nghiêm túc Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng công tác xác minh tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền kiểm soát của ủy ban kiểm tra và thanh tra nhà nước cấp tỉnh, huyện. Trong Quý I, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã ban hành 14 văn bản để triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình kiểm tra chuyên đề năm 2024 đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang, Ia Grai và cấp ủy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn 2 huyện. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh xây dựng chương trình kiểm tra đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Prông và đồng chí Bí thư Huyện ủy Chư Prông. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong Quý I, qua công tác thanh tra kinh tế – xã hội đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót đối với 19 đơn vị có sai phạm về tài chính. Khởi tố mới 2 vụ án với 4 bị can về hành vi tham nhũng thuộc khu vực ngoài Nhà nước và tiếp tục thụ lý, điều tra, giải quyết 9 vụ với 21 bị can từ năm trước chuyển sang. So với cùng kỳ năm 2023, kết quả thụ lý, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực tăng về số vụ và số lượng bị can. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp đã thụ lý 7 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó đã giải quyết 4 tin; thụ lý, điều tra 24 vụ với 57 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý 8 vụ với 24 bị can, truy tố 7 vụ với 17 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 11 vụ với 28 bị can, xét xử 2 vụ với 3 bị cáo. Tổng số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải thu hồi là hơn 25 tỷ đồng, trong đó số mới trong kỳ là hơn 1,52 tỷ đồng; đã thu hồi hơn 1,92 tỷ đồng, đạt 7,71%, còn lại phải thu hồi hơn 23 tỷ đồng.

         Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các nội dung liên quan đến một số vấn đề như: Tình hình xảy ra sai phạm về tài chính, tài sản, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài nguyên nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị; việc thực hiện một số kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; việc thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; các vụ việc vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, các vấn đề liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty Cà phê Gia Lai…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chủ tài khoản, kế toán trong việc theo dõi, quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản của Nhà nước. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tập trung khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2023. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công quyền; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngọc Hà – R. Piên


Lượt xem: 3

Trả lời