Báo động tình trạng khảm lá vi rút trên cây mì ở Krông Pa

Cập nhật 26/10/2020, 07:10:02

Từ chỗ chỉ có hơn 10 ha mì bị khảm lá vi rút vào năm 2018 thì đến nay diện tích mì trên địa bàn huyện Krông Pa bị nhiễm bệnh đã tăng lên một cách đáng lo ngại, chiếm hơn 50% tổng diện tích mì trên địa bàn. Các biện pháp phòng ngừa đã và đang được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của huyện tích cực triển khai thực hiện.

Krông Pa là địa phương có diện tích mì lớn nhất tỉnh với 22.205 ha. Trong đó mì trồng vụ Đông Xuân là 1.455 ha, vụ mùa 20.750 ha. Hiện nay bà con nông dân đang tiến hành thu hoạch một số diện tích trồng muộn ở vụ Đông Xuân, còn mì trồng trong vụ mùa đang ở giai đoạn chăm sóc và hình thành củ, kế hoạch vào đầu năm 2021 sẽ tiến hành thu hoạch. Qua tổng hợp của huyện, tổng diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá virus từ đầu năm đến nay là 11.350 ha. chiếm 51% diện tích mì toàn huyện. Trong đó,  mức độ nhiễm từ 50 -70% chiếm hơn 5.410ha và trên 70% chiếm  2.877 ha.

Anh Trần Bảo Duy, Thôn Buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Gia đình tôi năm vừa rồi cũng tham gia mô hình trồng mì của xã, nhưng vẫn bị khảm lá. Nói chung thiệt hại cũng nhiều”.

Qua kiểm tra, đánh giá bệnh khảm lá virus hại sắn đã nhiễm nặng trên các giống HL-S11 và KM 419. Mặc dù đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo không sử dụng lại các giống cũ đã bị nhiễm bệnh để tiếp tục đưa vào sản xuất, song người dân vẫn chủ quan, hoặc nếu sử dụng giống mới thì chất lượng cây giống cũng không đảm bảo, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng lan trên diện rộng.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Về phía cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBND huyện và các xã đã tuyên truyền khuyến cáo người dân không chọn giống đã nhiễm bệnh để đưa vào sản xuất. Nhưng do giống sắn quá nhiều nên người dân vẫn tiếp tục để lại những giống mà đã bị nhiễm bệnh nên diện tích sắn bị nhiễm bệnh ngày càng lớn”.

Diện tích mì nhiễm bệnh không ngừng gia tăng, lây lan trên diện rộng trong khi đó khảm lá vi rút trên cây mì là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị, phòng bệnh là chủ yếu. Do đó đòi hỏi  người dân phải thay đổi thói quen, tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong sản xuất để giảm thiểu tình trạng sâu bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất cây trồng.

Ông Duyên khuyến cáo: “Các địa phương tăng cường chăm sóc và bón phân để các diện tích sắn vẫn phát triển, vượt lên được mặc dù bị khảm lá, giảm bớt các tác hại của bệnh khảm”.

Mì vốn là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa và địa phương này lại có lợi thế rất lớn, đó là có hai nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất mỗi năm tiêu thụ gần 100 ngàn tấn mì tươi, chiếm gần 2/3 sản lượng mì của huyện, nhờ đó những năm qua mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nông dân trồng mì. Vì vậy, người dân cần tận dụng để khai thác có hiệu quả lợi thế này, phát triển cây mì một cách ổn định, bền vững hơn.

Hồng Uyên – Trương Trang – Xuân Huy – Duy Linh


Lượt xem: 49

Trả lời