Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên

Cập nhật 14/1/2024, 09:01:00

Nằm giữa lòng Cao nguyên Gia Lai hùng vĩ, TP.Pleiku là nơi hội tụ đa dạng các giá trị văn hóa – lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó không gian văn hóa cồng chiêng được thành phố chú trọng bảo tồn, duy trì và phát triển. Qua đó góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Cồng chiêng là loại nhạc khí đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nó có sự cộng cảm, sức quy tụ của các lễ hội, tín ngưỡng dân gian cũng như sinh hoạt thường nhật của bà con. Cồng chiêng đã góp mặt ở hầu hết các nghi lễ của cộng đồng dân tộc Jrai như lễ đâm trâu, lễ cúng Giọt nước, lễ mừng lúa mới. Âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng len lỏi vào từng gian bếp, từng nếp nhà sàn, không chỉ làm cho đất trời, cho lòng người thêm rộn ràng mà còn cổ vũ tinh thần hăng say lao động, sản xuất để xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao – Làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku chia sẻ: “Trong cồng chiêng tôi luôn luôn bảo tồn, tôi để lại cồng chiêng trong gia đình tôi hơn mấy chục bộ. Tôi vừa đi tập đi dạy cho mấy đội trẻ thanh niên hay làng người ta chưa biết về cồng chiêng. Trong lễ hội, những ngày tết, mừng đảng mừng xuân, trong sinh hoạt dân làng buôn làng thì đều có cồng chiêng. Nói chung ở trong buôn làng trong những ngày lễ lớn đều phải có cồng chiêng, không thể bỏ được cồng chiêng.”

Đối với người Jơrai ở TP.Pleiku cồng chiêng như một loại tài sản đặc biệt quý giá của gia đình và của cộng đồng. Những bộ cồng chiêng có âm chuẩn được gìn giữ cẩn thận và được truyền lại lâu đời càng có giá trị cao. Trong mỗi dân tộc lại có một cách biểu diễn cồng chiêng khác nhau.  Tuy nhiên điểm chung ở đây là những thanh âm của cồng chiêng đều phản ánh tâm tư, khát vọng tình cảm của con người cũng như triết lý về cuộc sống. Cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về, khắp các buôn làng luôn vang vọng những thanh âm cồng chiêng.

Nghệ nhân Rah Lan Thắng – Làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku bày tỏ: “Đối với cá nhân tôi là một người trẻ, với văn hoá âm vang cồng chiêng mình rất là tự hào. Bởi vì cá nhân tôi vẫn còn trẻ nên mong muốn phải học hỏi thêm nữa, phải thật giỏi để xứng đáng với văn hoá ông cha để lại. Và tôi rất là mong muốn thế hệ trẻ cần phải học hỏi thêm, tự hào về văn hoá âm vang cồng chiêng. Đặc biệt hơn nữa trong dịp năm mới trong làng sẽ đánh 1 bài đón năm mới để cho làng ngày càng đoàn kết hơn, giàng phụ hộ cho làng kinh tế thì phát triển, bà con thì nhiều sức khoẻ và làm ăn phát tài. Và âm vang cồng chiêng sẽ phát triển hơn nữa.”

 Cồng chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ truyền thống, kỷ vật quý báu do tổ tiên, ông bà để lại cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà còn được Unesco công nhận là di sản kiệt tác của nhân loại. Hiện nay, TP.Pleiku có 30 đội cồng chiêng với trên 500 nghệ nhân đánh chiêng, múa xoang. Nhằm phát huy giá trị văn hóa của cồng chiêng, thành phố luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy bằng những việc làm thiết thực như: phục dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, tổ chức các hội thi văn nghệ quần chúng và hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng và hát dân ca, mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác lưu truyền, truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ để tiếp thêm ngọn lửa văn hóa truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin TP. Pleiku trao đổi: “Để làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc thành phố đã tập trung tổ chức các liên hoan cồng chiêng thanh thiếu niên, mở các lớp dạy chỉnh chiêng đánh các bài cồng chiêng cổ cho thanh thiếu niên ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả cồng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thì nhân dịp đầu năm mới 2024 các đội cồng chiêng của các xã phường sẽ tổ chức biểu diễn cồng chiêng trước hết là phục vụ nhân dân trên địa bàn và sau đó sẽ phục vụ du khách khi đến tham quan du lịch tại thành phố Pleiku dịp đầu xuân.”

Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào gắn liền với đời sống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Jrai trên địa bàn thành phố nói riêng. Hòa cùng nhịp chảy chung của sự phát triển hiện đại, thành phố Pleiku vẫn luôn chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng. Qua đó, góp phần đưa tiếng cồng, tiếng chiêng vang mãi giữa Tây Nguyên đại ngàn.

Hồng Nguyệt – Bá Bính


Lượt xem: 12

Trả lời