Gia Lai với công tác tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Cập nhật 16/5/2017, 13:05:22

 Cùng với nhiệm vụ giúp đỡ, tạo điều kiện để người khuyết tật làm ăn, phát triển kinh tế thì công tác tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho đối tượng này cũng được các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai chú trọng thực hiện. Từ nhiều hình thức tuyên truyền, người khuyết tật đã nắm bắt những quy định, quyền lợi và được giải đáp những thắc mắc của cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi thì công tác này, đối với tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn.

Sinh ra là một người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không may trong một vụ tai nạn, anh Đỗ Vọng Khải, Tổ 8, Phường Hoa Lư, Tp. Pleiku bị liệt đôi chân. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, cán bộ phụ trách phường Hoa Lư đã đến hướng dẫn gia đình thực hiện các thủ tục để anh được nhận trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Với khuyết tật của bản thân, hàng tháng anh được nhận 405 ngàn đồng. Mặc dù, số tiền được hưởng chưa nhiều nhưng đây chính là sự quan tâm của Nhà nước với những mảnh đời không may mắn, đồng thời hỗ trợ gia đình chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Anh  Khải nói:  “Sau khi bị liệt 2 chân, được cán bộ phường tư vấn các thủ tục gia đình làm theo quy định để hưởng trợ cấp. Mỗi tháng được 405 ngàn đồng, tuy chưa nhiều nhưng cũng giúp gia đình trang trải sinh hoạt ăn uống.”

Việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật không chỉ ở việc tư vấn tại cơ quan, mà người phụ trách còn đến tận nơi ở của người khuyết tật để giúp đỡ họ hoàn thành hồ sơ, thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết đối với người khuyết tật nặng, khó khăn đi lại.

Chị Bùi Thị Hà, Cán bộ Lao động – Thương binh Xã hội phường Hoa Lư, Tp. Pleiku, Gia Lai cho biết:  “Là cán bộ phụ trách, tôi cũng nhiệt tình hỗ trợ người khuyết tật. Với những người khuyết tật nặng thì đến tận nhà họ tư vấn. Nhiều hộ không được hưởng theo chế độ hay vướng mắc thì tôi cũng giải thích để họ hiểu được.”

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 6 ngàn người khuyết tật, điều kiện tiếp cận với các thông tin còn hạn chế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, nguồn lực con người tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất ít. Trước điều kiện thực tế như vậy, các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã chủ động lồng ghép các buổi tặng quà nhân những dịp lễ, tết và tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Thông qua đó, người khuyết tật cũng như người nhà của họ hiểu hơn những vấn đề quan tâm như: Chế độ bảo trợ xã hội, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật.

Ông Trương Đình Ba, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai  cho biết: “Công tác tuyên truyền được Hội quan tâm, tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Người khuyết tật tiếp cận với thông tin chưa nhiều, điều kiện đi lại của họ rất khó khăn nên tại các buổi tặng quà Hội đã kết hợp tuyên truyền trợ giúp pháp lý người khuyết tật  tại các huyện vùng sâu, vùng xa và giải đáp thắc mắc cho họ.”

Để công tác tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thực sự có hiệu quả, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho người tàn tật và trẻ mồ côi tại cơ sở. Và mong rằng những người bình thường sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để những người kém may mắn tự tin hòa nhập cộng đồng.

Thúy Diện, Đặng Trà


Lượt xem: 143

Trả lời