Vì sao bức tranh “Bịt mắt bắt dê” gây sốt?

Cập nhật 10/2/2015, 06:02:09

Năm Ất Mùi đã cận kề, bức tranh dân gian Đông Hồ “Bịt mắt bắt dê” bỗng “sốt” đến mức “cháy hàng”.

Dạo qua một số hàng tranh dân gian Đông Hồ những ngày này, một không khí tất bật, rộn ràng đang hiện diện rõ nét. Dòng tranh Đông Hồ khắc họa những cảnh sinh hoạt đời thường, giản dị, mang nhiều nét vui tươi, hóm hỉnh với những ngụ ý sâu sắc vốn được coi là dòng tranh đặc trưng cho dịp Tết.

Vì vậy, ông cha ta khi xưa mỗi dịp Tết đến, xuân về thường mua về nhà một bức tranh Đông Hồ để treo chơi ngày xuân, cầu mong những ý nghĩa tốt đẹp trong tranh sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.

Đón năm mới, người xưa mua tranh về dán trên tường, hết năm bóc bỏ tranh cũ, dán lên một bức tranh mới với nhiều nguyện cầu tốt đẹp. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu: Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Loẹt lòe trên vách bức tranh gà.

Những màu tranh Đông Hồ đích thực chân quê, mộc mạc cũng từng xuất hiện trong thơ Hoàng Cầm: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Vì sao bức tranh “Bịt mắt bắt dê” gây sốt?
 

Năm Ất Mùi đã cận kề, bức tranh dân gian Đông Hồ “sốt” nhất trên thị trường năm nay chính là bức “Bịt mắt bắt dê”, trước hết là bởi năm tới là năm Mùi, nhiều người muốn tìm mua những món đồ may mắn có hình tượng dê để đặt trong nhà, trong đó, có những người lựa chọn cho mình bức tranh Đông Hồ – thức chơi ngày Tết giản dị, mộc mạc, chứa đựng hồn cốt dân tộc.

Đặt chân tới một cửa hàng bán tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – một trong hai nghệ nhân cuối cùng còn theo đuổi dòng tranh Đông Hồ, cửa hàng nhỏ được gia đình ông đặt trên phố Chân Cầm, Hà Nội, khi vừa được hỏi về bức “Bịt mắt bắt dê”, người bán hàng đã hồ hởi cho biết: “Mấy hôm nay khách hàng chỉ hỏi về bức Bịt mắt bắt dê. Hiện giờ cửa hàng đang hết bức này, mấy hôm nữa sẽ lại có!”.

Theo thông lệ, cứ đến dịp Tết, dòng tranh Đông Hồ lại bắt đầu “nóng” lên. Đây được coi là “mùa vụ” sản xuất và bán tranh Đông Hồ lớn nhất trong năm, theo đó, năm sau là con giáp gì, thì dịp cuối năm sẽ “sốt” tranh về con giáp đó. Năm tới Ất Mùi nên bức “Bịt mắt bắt dê” bỗng được nhiều người tìm mua hơn hẳn.

Bức tranh khắc họa một cảnh hội xuân, sau phần lễ có phần hội, trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê đã được đưa vào phần hội này để thanh niên nam nữ vui hội. Hiểu nôm na, mua bức “Bịt mắt bắt dê” là đưa không khí Tết, không khí lễ hội ngày xuân, một trò chơi vui vẻ dân dã về nhà, ước mong không khí vui tươi, phấn khởi sẽ hiện diện trong gia đình.

Vì sao bức tranh “Bịt mắt bắt dê” gây sốt?
 

Sâu xa hơn nữa, hai người chơi – một nam một nữ, đều đã ở tuổi trưởng thành – tượng trưng cho âm và dương. Họ bị bịt mắt cùng đuổi bắt một chú dê. Hình ảnh chú dê trong dân gian từ xa xưa đã gợi nhắc tới tính dục. Nam – nữ cùng đuổi bắt một chú dê hàm ý âm dương hòa hợp, đây là điều nguyện ước lớn nhất đối với ông cha ta xưa kia khi đời sống trông chờ rất nhiều vào thời tiết mưa thuận gió hòa để cây cối tốt tươi, mùa màng thuận lợi, âm dương hài hòa thì súc vật sinh sôi nảy nở, đời sống con người được ấm no.

Trong bức tranh cổ này, hình ảnh nổi bật là sân chơi đã được quây rào để cả chú dê và người chơi đều không bị đi lạc ra ngoài. Người chơi – một nam, một nữ, cả hai đều bịt mắt. Hai người chơi và một chú dê đều khoác áo tơi, đeo lục lạc (người đeo ở chân, dê đeo ở cổ), khi di chuyển, cả ba đối tượng này đều phát ra những âm thanh giống nhau, dễ dẫn đến nhầm lẫn, nhiều lúc không bắt được dê mà lại… ôm phải người. Còn chú dê vừa chạy trốn vừa ngoái nhìn đôi thanh niên nam nữ đang lần mò tìm bắt nó.

Lễ giáo phong kiến khi xưa rất khắt khe đối với chuyện nam nữ ở gần nhau, vì vậy, tham gia trò chơi này, thanh niên nam nữ có được một cơ hội để tiếp cận, đụng chạm một cách… “hợp pháp”. Xem cảnh đôi nam nữ bị bịt mắt, cùng đuổi bắt một chú dê nhưng vô tình nhiều khi lại… “vồ” lấy nhau chắc chắn đưa lại những tràng cười vui tươi cho người đứng xem, và cả sự xấu hổ, ngượng ngùng xen lẫn phấn khích cho người chơi. Chẳng thế mà dân gian có câu vè: Giả vờ bịt mắt bắt dê/Để cho cô cậu dễ bề… với nhau.

Đối với người Việt Nam, dê là con vật tạo ra giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh và văn hoá nghệ thuật. Dê là con giáp thứ 8, vì vậy được coi là con giáp may mắn, biểu tượng cho phát lộc phát tài. Dê đực biểu tượng cho bản năng tính dục mãnh liệt và sự sinh sôi nảy nở. Dê cái lại tượng trưng cho tính ôn hòa, thuần hậu và sự nhanh trí…

Thêm vào đó, dê lại nằm trong tam sinh lục súc. Dê là một trong sáu con vật nuôi phổ biến nhất trong “lục súc” (gồm dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu) và là một trong ba thứ lễ vật để cầu cúng, tế dâng trong “tam sinh” (gồm dê, lợn, bò).

Dù mang nhiều ý nghĩa như vậy nhưng hình ảnh dê không xuất hiện nhiều trong dòng tranh dân gian Đông Hồ, thực tế chỉ có bức “Bịt mắt bắt dê” được biết tới rộng rãi nhất là có chứa hình ảnh chú dê.

Vẻ đẹp phồn thực hiện diện rõ nét trong bức tranh này. Trước đây, khi tranh Đông Hồ còn rất được ưa chuộng, cứ mỗi độ tết đến xuân về, bức “Bịt mắt bắt dê” lại được mua về treo Tết, cầu mong một năm thịnh vượng, phát lộc phát tài, nảy nở ấm no.

Chiêm ngưỡng bộ tranh dân gian Đông Hồ 20 bức do gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thực hiện:

Bức Chăn trâu thổi sáo
Bức Chăn trâu thổi sáo

Bức Chăn trâu thả diều
Bức Chăn trâu thả diều

Bức Đám cưới chuột
Bức Đám cưới chuột

Bức Thầy đồ cóc
Bức Thầy đồ cóc

Bức Hứng dừa
Bức Hứng dừa

Bức Đánh ghen
Bức Đánh ghen

Bức Vinh hoa
Bức Vinh hoa

Bức Phú quý
Bức Phú quý

Bức Đàn lợn âm dương
Bức Đàn lợn âm dương

Bức Đàn gà
Bức Đàn gà

Bức Đấu vật
Bức Đấu vật

Bức Chăn trâu đọc sách
Bức Chăn trâu đọc sách

Bức Chọi chim
Bức Chọi chim

Bức Chọi cá
Bức Chọi cá

Bức Nông dân nghỉ ngơi
Bức Nông dân nghỉ ngơi

Bức Vinh quy bái tổ
Bức Vinh quy bái tổ

Bức Nhân nghĩa
Bức Nhân nghĩa

Bức Lễ trí
Bức Lễ trí

Bức Đánh đu và bắt chạch
trong chum
Bức Đánh đu và bắt chạch trong chum

Bức Bịt mắt bắt dê
Bức Bịt mắt bắt dê

theo Dân Trí


Lượt xem: 313

Trả lời