‘Tu giữa đời thường’ – triết lý sống phương Đông

Cập nhật 16/2/2024, 14:02:13

Trong “Tu giữa đời thường”, tác giả cho rằng mỗi người nên có bộ quy tắc sống để định hướng cuộc đời.

Bạn đã bao giờ trở về nhà sau một kỳ nghỉ và thấy gần như không còn sức lực, thậm chí tâm trạng tồi tệ hơn trước khi đi? Bạn đã bao giờ hối tiếc vì không dành đủ thời gian chất lượng bên con cái, vợ, chồng, bạn bè hay cha mẹ đang ngày một già đi? Bạn có đang căng thẳng, mệt mỏi hay chỉ đơn giản thấy hết sức chán nản với “lối mòn cuộc sống”?

Những câu hỏi được nêu ra trong cuốn Tu giữa đời thường - tên tiếng Anh là The Urbank Monk, phát hành lần đầu năm

Bìa cuốn “Tu giữa đời thường” (tên tiếng Anh là “The Urbank Monk”). Ảnh: NXB Dân Trí

Theo tác giả Pedram Shojai, mỗi người đều có khả năng đang rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng và mất phương hướng. Nhưng chúng ta không thể như những người tu hành khổ hạnh, từ bỏ thế giới vật chất để đi tìm sự bình yên. Vì vậy, chúng ta cần một bộ quy tắc hướng dẫn mới, giúp định hướng cuộc đời mình trong thế giới vật chất, một thế giới căng thẳng, với quỹ thời gian chật hẹp. “Tôi tự xem mình là một tu sĩ sống giữa chốn thị thành, một người ‘tu giữa đời thường’, và khi bạn đọc đến cuối quyển sách này, tôi mong bạn cũng làm như vậy”, tác giả viết.

Theo ông: “Thế giới này luôn cần bạn chủ động tiến về phía trước và sống cuộc đời mình thật trọn vẹn. Con cái của bạn cần được bạn giúp sức bảo vệ môi trường sống và giúp đưa ra những lựa chọn tốt khi cần. Gia đình bạn cần bạn tỉnh thức, sống với hiện tại và yêu thương nhiều hơn khi ở bên họ. Doanh nghiệp của bạn cần bạn cống hiến hết mình và mang lại sự giàu có cho cơ ngơi của mình. Và quan trọng hơn cả, bạn cần tìm lại chính mình”.

Tác giả cho biết đã dành trọn sự nghiệp của mình cho việc đưa minh triết phương Đông cổ xưa vào cuộc sống của những người bình thường ở thời hiện đại một cách gần gũi và thiết thực. Thông điệp cuốn sách hướng đến là: “Hãy học cách thoát khỏi lối mòn để trở về là con người mà chúng ta sinh ra để trở thành, ngay tại đây, trong ngôi nhà của mình, ngay tại nơi làm việc, và thậm chí ngay khi chúng ta đang bị kẹt giữa dòng xe đông đúc trên đường đi đến chỗ làm hay về nhà”.

Trong mười chương sách, mỗi chương đề cập đến một vấn đề mọi người đều gặp phải trong cuộc sống hiện đại, như tình trạng căng thẳng, sự thiếu hụt thời gian, vì sao chúng ta mất năng lượng và luôn mệt mỏi, vấn đề mất ngủ, chế độ ăn uống kém lành mạnh, vấn đề tăng cân và hình ảnh tiêu cực về bản thân, thực trạng con người luôn cảm thấy cô đơn giữa chốn đông người, vấn đề “tiền không bao giờ là đủ”, việc thiếu ý nghĩa và mục đích sống.

Ở mỗi vấn đề, tác giả đều đưa ra trường hợp bệnh nhân điển hình, phân tích nguyên nhân mà họ gặp phải, giới thiệu quá trình trị liệu cùng các phương pháp thực hành phương Đông. Pedram Shojai cũng hướng dẫn người đọc các chiêu thức thực hành, các kế hoạch hành động để mỗi người tự suy nghĩ, áp dụng.

Để tránh căng thẳng, tác giả khuyên mỗi người có thể tu tập để phát triển phần não ở thùy trán, khai mở “con mắt thứ ba”, học cách thiền định, cách tránh để hệ nội tiết bị tàn phá, cách để nuôi dưỡng hệ miễn dịch, cách để bảo vệ sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Sách cũng gợi ý về nền tảng độ ăn uống thanh khiết, vận động, giấc ngủ ngon, chuyển động toàn phổ, thời gian tĩnh lặng và tư duy lành mạnh.

Pedram Shojai đúc kết: Thế giới đảo điên. Cuộc sống luôn đẩy chúng ta đến sự điên cuồng, hoảng loạn. Nếu không giữ vững tinh thần, chúng ta sẽ lạc lối. Điều quan trọng là sống được trong mắt bão, nơi mọi thứ bình yên nhất, và ở đó mọi sự hỗn loạn đều bị vô hiệu hóa.

Pedram Shojai cũng phân tích tình trạng con người mất kết nối với tự nhiên hay những giá trị thật. Ông cho rằng, ngày nay nhiều người sống ở những nơi mà toàn bộ mặt đất được lát đá, họ mất cơ hội được tiếp xúc với đất – là cách hữu hiệu để tận hưởng “dưỡng chất sự sống” và để cơ thể được chữa lành thông qua sự trao đổi năng lượng sống cần thiết với mặt đất.

Theo tác giả, con người đang lấn chiếm, hủy hoại, gây ô nhiễm thiên nhiên, môi trường sống của mình. Ông viết: Chúng ta từng ăn thực vật, giờ đây chúng ta ăn những thứ nhảm nhí được làm từ thực vật. Chúng ta quên mất mình đến từ đâu. Chúng ta đã mất kết nối với cội nguồn của toàn bộ sự sống và nguồn dinh dưỡng mình nhận lãnh được, điều đó tạo ra một khoảng trống trong khả năng tự chữa lành và kết nối với sự sống quanh ta.

Theo tác giả, người “tu giữa đời thường” lấy cảm hứng từ thiên nhiên và thường xuyên trở về với thiên nhiên để tái tạo sức sống và tìm về sự kết nối. Ông khuyên: Hãy tìm phúc lành của bạn trong tự nhiên và chạm đến con người cốt lõi của mình. Hãy học cách tận hưởng và biết ơn thế giới tự nhiên, nguồn gốc của chúng ta và chia sẻ điều đó với tất cả sự sống chung quanh, bạn có thể xem đây là khung tham khảo cho mọi việc chúng ta làm.

Pedram Shojai là một tu sĩ, một bác sĩ đông y, đồng sở hữu podcast tư vấn chăm sóc sức khỏe The Health Bridge.

 


Lượt xem: 1

Trả lời