NSƯT Lê Quang Dũng: “Chơi đàn nhị không nghèo đến mức phải bỏ nghề“

Cập nhật 06/9/2019, 08:09:32

NSƯT Lê Quang Dũng chia sẻ, anh chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi khi là nghệ sĩ đàn nhị hay quá khó khăn về mặt kinh tế đến mức phải bỏ nghề.

“Đàn nhị không nên bị giới hạn trong nhạc dân tộc”

NSƯT Lê Quang Dũng gắn bó với cây đàn nhị từ khi còn nhỏ. Anh chia sẻ, bố anh là nhạc công sáo trúc, ông nội là nhạc công đàn nhị. Niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc đã được bố và ông nội truyền cho anh một cách rất tự nhiên. 6 tuổi, NSƯT Lê Quang Dũng đã có thể chơi tốt đàn nhị. Ông nội là người cầm tay dạy cho anh từng nốt nhạc, anh họ lúc đó cũng là giáo viên đàn nhị cũng đã từng giúp đỡ để Lê Quang Dũng phát triển tài năng của mình.

Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên phải đến năm 15 tuổi, Lê Quang Dũng mới bắt đầu học tập đàn nhị một cách chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chỉ một năm sau đó (1998), Lê Quang Dũng đã giành giải khuyến khích tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc dành cho các nhạc công.

nsut le quang dung: "choi dan nhi khong ngheo den muc phai bo nghe" hinh 1
NSƯT Lê Quang Dũng. 

Đến năm 2003, khi đang là sinh viên năm 2, Lê Quang Dũng thử sức lại một lần nữa và giành được giải Nhất cũng tại cuộc thi này, ghi dấu vào lịch sử Hội diễn là nghệ sĩ đàn nhị đầu tiên giành được giải Nhất.

Trong thời gian học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Lê Quang Dũng đã bắt đầu cộng tác thường xuyên với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), một số dàn nhạc dân tộc của các nhà hát khác và đi biểu diễn đàn nhị ở nhiều nơi. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2006, nam nghệ sĩ thi tuyển vào Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và công tác ở đó từ năm 2007 cho đến bây giờ.

Hơn 12 năm làm việc ở Nhà hát VOV, với Lê Quang Dũng, đó là khoảng thời gian quý giá để anh có thể phát triển khả năng và mở rộng thể loại cho cây đàn nhị vốn tưởng chừng chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ của nhạc dân tộc.

Anh tâm sự: “Tôi đã từng có thời gian công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, khi đó, tôi chủ yếu biểu diễn những tác phẩm mới. Nhưng khi về VOV, tôi có cơ hội được thử sức với rất nhiều thể loại, từ ca trù, xẩm, đến quan họ, chèo… thậm chí là cả nhạc trẻ. Chỉ có ở VOV, một nghệ sĩ đàn nhị như tôi mới có cơ hội được tiếp xúc và thử sức mình với những thể loại đó.

nsut le quang dung: "choi dan nhi khong ngheo den muc phai bo nghe" hinh 2

Tôi muốn mình là một nhạc công “đa zi năng”, nhạc nào cũng chơi được vì tôi rất yêu thích âm nhạc, thích những âm thanh réo rắt phát ra từ đàn nhị, không cớ gì phải cố định mình trong một thể loại âm nhạc nào đó. Tôi cũng không muốn đàn nhị bị đóng khung trong âm nhạc dân tộc mà nó có thể phát triển theo thời đại với cả nhạc trẻ”.

Nhưng, để một nhạc công đàn nhị chơi được tất cả các loại hình nghệ thuật trong phòng thu của VOV với các ca sĩ là điều không đơn giản. Lê Quang Dũng luôn phải học hỏi các anh chị đi trước và thậm chí là cả các đàn em. Dù khó khăn, nhưng Lê Quang Dũng luôn cảm thấy “thật tuyệt vời vì chỉ được chơi đàn đã vui rồi”.

Cũng nhờ sự “đa năng”, không quản ngại khó khăn, vất vả, cộng với tài năng thiên bẩm, Lê Quang Dũng đã giành được khá nhiều giải vàng, giải bạc giành cho đàn nhị trong các hội diễn toàn quốc. Anh cũng từng đi lưu diễn ở nhiều nước như Thái Lan, Hà Lan, Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Mới đây, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú – một minh chứng cho sự cống hiến bền bỉ của người nhạc công dù là trước hay sau ánh đèn sân khấu.

“Nếu yêu cây đàn, sẽ không cảm thấy thiệt thòi” 

NSƯT Lê Quang Dũng tâm sự, mọi người vẫn nói, làm người nhạc công rất vất vả. Ca sĩ có thể chọn một mảng nào đấy để hát mà cảm thấy hợp nhất, nhưng dàn nhạc vẫn phải đệm, phải chơi cho tất cả các thể loại âm nhạc, tất cả các bài khi được yêu cầu.

Người nhạc công cũng rất thiệt thòi khi làm công việc của mình một cách thầm lặng trong phòng thu, sau cánh gà, trong một dàn nhạc đông đảo mà đôi khi ánh sáng sân khấu không chiếu đến, khán giả không biết họ là ai.

Thế nhưng, với Lê Quang Dũng, anh chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi theo đuổi đam mê với đàn nhị: “Mọi người nghĩ nhạc công thiệt thòi, vất vả nhưng tôi chưa bao giờ để tâm đến chuyện đó. Tôi không bao giờ so sánh hay ghen tị với những ca sĩ đứng dưới ánh đèn sân khấu, họ nhận được sự chú tâm của khán giả, được nhận nhiều giải này kia, còn mình thì không.

Khi đã yêu nghề, đã đam mê thì chỉ cần được chơi nhạc, được cống hiến tiếng đàn của mình cho khán giả, tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ, khi làm tốt thì những người quan tâm sẽ nhìn nhận, đánh giá được công việc của mình. Mới đây, tôi được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, trao tặng danh hiệu NSƯT, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc”.

NSƯT Lê Quang Dũng cũng cho biết, những người chơi nhạc dân tộc không đến nỗi khó khăn quá về mặt kinh tế đến mức bỏ nghề. Ngoài thời gian làm việc tại Nhà hát VOV, anh cũng đi diễn ở ngoài hoặc làm thêm nhiều việc khác liên quan đến âm nhạc như viết nhạc nền, giảng dạy tại các trường nhạc.

Với kinh nghiệm 4 năm dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Lê Quang Dũng nhận định, đàn nhị đang tiệm cận hơn với giới trẻ. Trong vài năm gần đây, số lượng học sinh, sinh viên tham gia các lớp học đàn nhị đông đảo hơn. Những nhạc công bây giờ cũng thích chơi những bản nhạc mới để phù hợp với thời đại. Anh có niềm tin rằng, cây đàn nhị rồi sẽ được mọi người không chỉ trong nước mà trên cả thế giới biết đến nhiều hơn.

Sau khi nhận danh hiệu NSƯT, Lê Quang Dũng đang ấp ủ ý định làm một CD riêng về đàn nhị, để đàn nhị với âm thanh réo rắt được tỏa sáng chứ không chỉ còn là một nhạc cụ trong dàn nhạc dân tộc./.

Theo VOV


Lượt xem: 119

Trả lời