Hình ảnh Tây Nguyên những năm 50 qua con mắt người Pháp

Cập nhật 11/7/2014, 13:07:31

34 bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Jean – Marie Duchange chụp trong chuyến đi Tây Nguyên và gặp gỡ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây từ tháng 6/1952 – 7/1955 hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tối 10/7, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai mạc Triển lãm ảnh “ Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ 20”.

Triển lãm ảnh “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ 20” là một trưng bày nghệ thuật với chất liệu ảnh dân tộc học, giới thiệu 34 bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Jean – Marie Duchange chụp trong chuyến đi Tây Nguyên và gặp gỡ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây từ tháng 6/1952 – 7/1955. Những bức ảnh trưng bày lần này là một phần trong gần 200 phim âm bản mà bà Évelyne Duchange là con gái cùng bà Nadège Bourgoin, cháu ngoại của tác giả trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 

 

Một nghi lễ trong nhà dài của người Tây Nguyên

Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, bà Évelyne Duchange cho biết: "Đối với tôi và con gái tôi thì đây là thời điểm rất xúc động khi chúng tôi được chứng kiến cuộc trưng bày tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Bộ ảnh trưng bày này giới thiệu những bức ảnh của cha tôi đã chụp ở Tây Nguyên, đây là những phim âm bản và chúng tôi mong muốn phim âm bản này được bảo tồn một cách tốt nhất và chính vì thế chúng tôi đã mang đến bảo tàng. Và chúng tôi hy vọng bảo tàng sẽ còn có những trưng bày khác nữa".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học đánh giá, những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm được chụp với chất lượng và tính thẩm mỹ cao, mô tả rõ nét, sống động cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Nguyên với những tập tục truyền thống, hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên như nhà dài, nhà rông, chòi rẫy, nhà mồ… mà gần như không còn tồn tại trong đời sống hiện đại. 

 

 

Đầu hồi phía cửa chính nhà dài người Ê đê

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Thiệu cho biết: "Đây là bộ ảnh mô tả sinh động đặc trưng văn hóa của dân tộc Tây Nguyên của những năm 50 của thế kỷ trước, bây giờ rất ít thấy và rất may mắn chúng ta có được bộ ảnh này. Giá trị của bộ ảnh ở chỗ được chụp bằng phim âm bản từ những năm 50 mà bây giờ còn lưu lại được và may mắn là gia đình nhà nhiếp ảnh cũng lưu giữ được bằng kỹ thuật tốt và đến bây giờ phim âm bản còn nguyên giá trị. Bộ phim âm bản đẹp và còn nguyên giá trị như thế này thì rất hiếm".

Tại triển lãm còn trưng bày chiếc máy ảnh mà tác giả đã dùng để chụp những bức ảnh về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 11/1/2015./

theo VNExpress


Lượt xem: 49

Trả lời