Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân

Cập nhật 01/7/2022, 06:07:20

Thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết, hàng loạt quyết sách về kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước… là kết quả của 19 ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 1.

“Đại biểu Dương Văn Phước có nêu vấn đề thương hiệu nông sản Việt Nam theo Bộ trưởng thì đang như thế nào, nằm ở giai đoạn nào? Thực chất nó ra làm sao và giải pháp để cải thiện tình hình này thế nào? Tôi thấy ý này Bộ trưởng chưa nêu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý với Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phiên chấn vấn hôm 7/6.

“Tuyến đường 1K có đoạn dài 6 km qua TP Dĩ An (Bình Dương) đã được nhà đầu tư BTO bàn giao lại cho Bộ, nhưng trạm thu phí thì chưa dỡ bỏ, điện chiếu sáng đã hư hỏng nặng. UBND tỉnh đã gửi văn bản cho Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho lắp lại hệ thống chiếu sáng và đề nghị Bộ bàn giao tuyến đường trên cho Bình Dương quản lý, song đến nay vẫn chưa giải quyết.

Qua đại biểu Quốc hội, cử tri gửi đến Bộ trưởng hai câu hỏi. Một là Bộ trưởng có còn thương mến Bình Dương không? Hai là nếu còn thì khi nào kiến nghị trên sẽ được xử lý”, đại biểu Nguyễn Quang Huân chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể hôm 9/6.

Phần góp ý và chất vấn trên cho thấy tinh thần quyết liệt, không né tránh, đi đến cùng vấn đề của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như các thành viên của Quốc hội, điều được thể hiện xuyên suốt trong Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 2.

Cũng giống như nhiều kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn là điểm nhấn của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài chính; Ngân hàng; Giao thông vận tải. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong 5 phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận. Tại đây những vấn đề “nóng” của kinh tế – xã hội, những nguyện vọng và tâm tư của cử tri cả nước đã được phản ánh tại Hội trường Diên Hồng.

Không ít lần không khí nghị trường trở nên “nóng” bởi những vấn đề mang tính thời sự như: Hàng loạt sai phạm trên thị trường chứng khoán, việc độc quyền của vàng miếng SJC, quản lý đất đai, giá xăng dầu, xe biếu xe tặng… trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Hay như việc chậm trễ trong triển khai thu phí không dừng, các dự án đội vốn chậm tiến độ với lĩnh vực giao thông vận tải; vấn đề được mùa mất giá, ách tắc nông sản tại biên giời… tại lĩnh vực nông nghiệp.

Không ít đại biểu đã truy trách nhiệm của các trưởng ngành với những sai phạm trong ngành do mình quản lý cũng như việc không không hoàn thành lời hứa trước cử tri.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 3.

“Chưa có kỳ nào mà đại biểu đăng kí phát biểu về chương trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nhiều như kỳ này. Trước đây có khoảng 80 đại biểu đăng kí thì kỳ này có tới hơn 130 đại biểu đăng kí. Chất lượng của đại biểu được nâng lên rõ rệt, nhất là đại biểu mới phát biểu rất chất lượng và trách nhiệm”, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đánh giá về kỳ họp.

Theo ông Ngô Thế Nghị – Giảng viên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, không khí chất vấn và trả lời chất vấn và tham gia tranh luận tại các phiên của Quốc hội diễn ra rất công khai, minh bạch, sôi nổi, dân chủ và khách quan.

“Qua điều này chứng minh khả năng, tinh thần sát thực tế của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là tinh thần gần dân, sát cử tri, lắng nghe sâu sắc ý kiến nguyện vọng của cử tri cả nước để phản ánh trên diễn đàn của Quốc hội của các đại biểu ngày càng tốt hơn”, ông Nghị đánh giá.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 4.

Còn theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh), Kỳ họp thứ 3 vẫn là những kỳ họp đầu khóa nhưng các đại biểu rất hăng hái phát biểu, kể cả những người tham gia Quốc hội lần đầu cũng không có gì e ngại. Theo đại biểu, đây là điều rất tốt. Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tinh thần này cần được duy trì trong những kỳ họp tiếp theo, khi Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề gai góc hơn.

“Thời giờ ở Quốc hội rất ít, không có những ca tụng tại đây. Tôi nghĩ lãnh đạo của chúng ta khi làm việc cũng không cần có thêm “nước đường”, lời ca tụng mới có động lực để làm việc. Quốc hội không có chỗ cho những lời khen”, bà Lan nêu quan điểm.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 5.

Cũng như nhiệm kỳ trước, sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của một phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đảm bảo giữ nhịp cho các câu hỏi và trả lời ngắn gọn đúng và trúng.

“Nếu mà chúng ta trả lời, để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương, thì vai trò của Bộ NN&PTNT ở đâu, vai trò của Bộ trưởng thế nào? Nếu hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Từ sự điều hành uyển chuyển của chủ toạ, nhiều nội dung hỏi và trả lời đã được làm rõ hơn, từ đó tạo cơ sở xây dựng Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong đó nêu rõ những yêu cầu mà Quốc hội giao cho Chính phủ quan tâm trong thời gian tới.

“Chủ tịch Quốc hội điều hành rất rõ ràng khi trách nhiệm phần việc của ai, của Bộ nào, cơ quan nào cũng đều được nhắc đến cụ thể”, cán bộ hưu trí Trần Quang Hưng (TP Hồ Chí Minh) đánh giá.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 6.

Còn theo bà Đặng Bích Ngọc (đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình), tại Kỳ họp thứ 3, sự điều hành của Quốc hội rất linh hoạt, chủ động, kịp thời. Những vấn đề nóng được cử tri quan tâm đã được Quốc hội triển khai, thực hiện – tức là lấy ý kiến ngay tại các cuộc họp.

“Có những chỉ đạo rất là tích cực đối với những bộ ngành. Từ sự đổi mới cũng như linh hoạt của Quốc hội thì Chính phủ cũng đã vào cuộc rất tích cực”, bà Ngọc cho biết.

Thành công của Kỳ họp thứ 3 cho thấy Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, luôn chủ động và hành động sẵn sàng cùng Chính phủ và các cơ quan chung tay khẩn trương tháo gỡ từng điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Từ đó có những quyết sách đúng đắn và kịp thời để khắc phục bất cập khơi thông nguồn lực cả trước mắt và lâu dài.

“Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đạt hiệu quả cao như vậy là nhờ có sự chuẩn bị công phu bài bản, kỹ lưỡng và khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sự vào cuộc tận tâm và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và những bộ phận tham gia chuẩn bị kỳ họp” ông Ngô Thế Nghị – Giảng viên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam đánh giá.

Tại kỳ họp bất thường tháng 1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội lên đến gần 350.000 tỷ đồng. Để chương trình này được triển khai đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật nên tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để tiếp tục cùng thảo luận tháo gỡ những khó khăn để triển khai gói hỗ trợ. Điều này càng thể hiện một Quốc hội chủ động, đổi mới và liên tục hành động để chính sách từ Nghị trường sớm đi vào cuộc sống đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 7.

Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông: Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1). Tổng vốn đầu tư của 5 dự án lên đến hơn 245.000 tỷ đồng.

Với việc thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án, thì đây không chỉ là những nền tảng quan trọng để tiếp tục chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn tới, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương nơi các tuyến đường đi qua.

Với 5 dự án này, hạ tầng giao thông xung quanh TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam sẽ có một diện mạo rất khác.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 8.

Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.

“Việc đồng thời một lúc, Quốc hội xem xét cả 5 dự án giao thông trọng điểm cũng như tiếp tục thực hiện kết nối đường Hồ Chí Minh đang tạo sức bật không chỉ trong lĩnh vực đầu tư mà trong nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế. Từ đó khả năng hồi phục các ngành nghề trong nền kinh tế tốt hơn nhiều và tạo đà tăng trưởng cho đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho nhận định.

Cùng quan điểm với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh 5 dự án giao thông trọng điểm này là động lực rất quan trọng không phải chỉ cho năm nay mà còn thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong việc tạo ra nền tảng hạ tầng ổn định cho phát triển dài hạn.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 9.

Cho biết quan điểm về việc Quốc hội thông qua 5 dự án giao thông trọng điểm, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh mỗi đồng ngân sách đều rất đáng giá, nhất là trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang đối diện nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo bà Lan, mỗi đồng ngân sách chi ra phải rất hiệu quả, tránh tình trạng mỗi tỉnh một sân bay, mỗi tỉnh một cảng nước sâu, tỉnh kia có gì thì tỉnh mình cũng phải có cái đó… Theo nữ đại biểu này, nếu thấy những cơ chế kìm hãm khiến kinh tế không cất cánh được, không phát triển thì phải nghiên cứu gỡ bỏ, chứ không phải là mỗi tỉnh đòi đặc thù cái này, đặc thù cái kia.

“Không lẽ nền kinh tế hay chính sách của chúng ta như “con nhím”, ai cũng là mũi nhọn thì rốt cục cái nào nhọn nhất thì nó rất là dở”, bà Lan nhận định.

Sức nóng tại nghị trường, kỳ họp của lòng dân - Ảnh 10.

Sau kỳ họp lần này, cử tri và nhân dân cả nước có quyền kỳ vọng vào sự chuyển biến thực chất và đột phá trong thời gian tới, góp phần cho sự thành công trọn vẹn hơn của Kỳ họp.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời