Hiệp định Geneve – Hòa bình cho Việt Nam

Cập nhật 25/4/2024, 06:04:10

Hiệp định Geneve cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên giải phóng dân tộc.

Ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneve bắt đầu bàn về Đông Dương. 9 bên tham dự hội nghị này với những lợi ích chiến lược khác nhau.

Sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng bước vào hội nghị trong tâm thế của người chiến thắng. Còn Pháp muốn lợi dụng diễn đàn này để tìm cách rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự, tránh phải đàm phán trực tiếp với Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết sau 75 ngày đàm phán căng thẳng. Hòa bình được lập lại ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ… được khẳng định trong một Điều ước quốc tế.

Năm 1956, người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Tuy chưa đáp ứng được mục tiêu của Trung ương Đảng đề ra lúc đầu về phân chia giới tuyến nhưng Hiệp định Geneve là một nấc thang trong tiến trình giải phóng dân tộc.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: ”Trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve, chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, song cơ động, linh hoạt, có sách lược phù hợp để giành mục tiêu chiến lược. Đó là bài học về luôn luôn coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, phải “biết mình”, “biết người”, để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”. Đây là bài học sâu sắc còn nguyên giá trị”.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời