Olympic tốn kém nhất trong lịch sử

Cập nhật 07/2/2014, 07:02:21

Với tổng chi phí khoảng 50 tỉ USD, Thế vận hội mùa đông Sochi khai mạc vào hôm nay (7-2) là Olympic tốn kém nhất trong lịch sử thể thao.

 

VĐV người Thụy Sĩ Lara Gut tập luyện môn trượt tuyết hôm 6-2 chuẩn bị cho Olympic mùa đông 2014 – Ảnh: AFP

 

Hồi tháng 1-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định với giới báo chí rằng Matxcơva chỉ chi 214 tỉ rúp, tương đương 7 tỉ USD, với gần 50% là tiền của nhà nước để tổ chức Olympic Sochi. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của phương Tây.

Kế hoạch một đàng, chi một nẻo

Tuy nhiên tuần qua chính Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã xác nhận trên kênh CNN rằng chi phí thực tế cho Olympic Sochi lên đến 50 tỉ USD, phù hợp với những dự báo. Trước đó, hồi năm ngoái Phó thủ tướng Nga Dmitry Kozak cho biết Matxcơva đã chi 51 tỉ USD.

Mức chi này cao gấp nhiều lần so với con số 12 tỉ USD mà Nga cam kết sẽ đầu tư khi vận động giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2014. Báo Guardian (Anh) dẫn lời một số nhà phân tích cho biết nguyên nhân là do đầu tư vào nhiều công trình Olympic tăng vọt so với dự toán ban đầu. Ví dụ tổng chi phí cho tổ hợp nhà thi đấu RusSki Gorki lên đến 265 triệu USD, cao hơn sáu lần so với dự toán 40 triệu USD ban đầu. Sân vận động Fisht có tổng đầu tư 519-703 triệu USD, cao gấp 2,5 lần dự toán. Sân hockey trên băng Bolshoy Ice Dome có chi phí lên đến 302 triệu USD, gấp 2,6 lần dự toán…

Chính phủ Nga đã đầu tư khoảng 8,7 tỉ USD để xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt nối liền các địa điểm thi đấu với vùng núi non ở Sochi. Để so sánh, kỷ lục thế vận hội trước đây là Olympic mùa hè Bắc Kinh có tổng đầu tư khoảng 40 tỉ USD. Điều đáng nói là số lượng các môn thi đấu ở Olympic mùa hè thường cao gấp ba lần Olympic mùa đông. Tạp chí Business Week ước tính Trung Quốc chi khoảng 132 triệu USD cho mỗi môn thi đấu ở Olympic Bắc Kinh, trong khi Nga bỏ ra tới 520 triệu USD cho mỗi môn thi đấu tại Olympic Sochi.

Phe đối lập Nga và giới chuyên gia phương Tây khẳng định một phần nguyên nhân khiến chi phí Olympic Sochi tăng vọt là do tình trạng tham nhũng và lãng phí. Các nhà báo phương Tây đến Sochi đã chụp ảnh nhà vệ sinh trong các khách sạn ở Sochi như một bằng chứng của sự lãng phí. Cụ thể, trong nhà vệ sinh có tới hai bồn cầu cạnh nhau dù chắc chắn chẳng bao giờ có chuyện hai người khách cùng đi vệ sinh một lúc ngay bên cạnh nhau. Phe đối lập Nga ước tính khoảng 30% chi phí đầu tư vào Olympic Sochi là để phục vụ các khoản hối lộ, lót tay. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã bác bỏ cáo buộc tham nhũng.

Được gì sau những khoản chi hoành tráng?

Mới đây truyền thông phương Tây đã lên tiếng chỉ trích Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vì đã để xảy ra tình trạng lãng phí quá mức tại Sochi. Tuy nhiên chủ tịch IOC Thomas Bach cho rằng không nên đưa các đầu tư hạ tầng như xây dựng đường sá, hệ thống xử lý rác hay hệ thống điện lực vào tổng chi phí cho Olympic. “Sự chuyển đổi một thành phố nghỉ dưỡng mùa hè thành một trung tâm du lịch quanh năm không phải là chi phí cho Olympic. Đó là sự chuyển đổi của cả vùng và Olympic chỉ là chất xúc tác cho sự phát triển” – ông Bach nhấn mạnh. Các quan chức Nga cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo nhiều khả năng Olympic Sochi sẽ không thúc đẩy nền kinh tế Nga một cách đáng kể như những gì chính quyền Matxcơva kỳ vọng. Moody’s cho rằng chính quyền thành phố Sochi và vùng Krasnodar sẽ gặp khó khăn trong việc chi tiền duy trì hoạt động của hệ thống hạ tầng thể thao sau khi Olympic kết thúc. Và con số này có thể lên đến 2 tỉ USD mỗi năm. Moody’s cũng đánh giá các khoản đầu tư vào Sochi chưa chắc đã thúc đẩy đủ doanh thu du lịch để bù đắp các chi phí đã bỏ ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn thường không bền vững. Chẳng hạn, GDP của Anh có tăng sau khi tổ chức Olympic London 2012 nhưng sau đó nền kinh tế lại sa sút vào thời điểm cuối năm. Hi Lạp đã chi khoảng 11 tỉ USD để tổ chức Olympic Athens năm 2004, và đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công của nước này.

Dù vậy, Moody’s và hãng xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng Olympic Sochi tuy không đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nga nhưng cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, bởi khoản đầu tư 50 tỉ USD chỉ tương đương 2,5% GDP Nga năm 2013.

 

 

6.000 VĐV tham dự

Theo CNN, có 6.000 VĐV của 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ tranh tài trong 17 ngày tại Olympic Sochi ở 15 môn thể thao mùa đông.

Ước tính khoảng 3 tỉ khán giả sẽ theo dõi các sự kiện thế vận hội qua truyền hình. Khoảng 25.000 tình nguyện viên và 7.000 đầu bếp cùng nhân viên phục vụ sẽ làm việc tại Olympic. Nhiệt độ trung bình tại Sochi trong tháng 2 là 8,3OC, biến Olympic Sochi trở thành thế vận hội mùa đông ấm áp nhất trong lịch sử.

 

Theo Tuổi trẻ (thể thao)


Lượt xem: 21

Trả lời