Dự thảo Luật Căn cước – Đổi mới trong quản lý dân cư

Cập nhật 24/11/2023, 06:11:37

Dự thảo Luật Căn cước dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 27/11.

Không cần thẻ bảo hiểm y tế khi đi bệnh viện. Khi giải quyết các thủ tục hành chính như giấy tờ nhà đất cũng không cần mang theo bất cứ giấy tờ gì chỉ cần duy nhất thẻ căn cước. Theo dự thảo Luật Căn cước, Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ bao gồm 26 trường thông tin của công dân, trong đó có 7 trường thông tin bắt buộc để tạo lập số định danh cá nhân và 19 nhóm thông tin khác để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của cơ quan nhà nước và người dân.

Theo dự thảo luật, sẽ không còn việc lấy vân tay của công dân khi cấp căn cước, thay vào đó là sử dụng mã QR để liên kết với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư. Một số thông tin trên thẻ như: số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ sẽ được sửa thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và mã QR.

Tiện ích như vậy nhưng nếu ai đó đánh rơi chiếc thẻ căn cước thì liệu có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân thậm chí sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật? Theo đại diện Bộ Công an, chiếc thẻ này sẽ tích hợp các thông tin về sinh trắc học như về ADN, mống mắt, giọng nói và những thông tin đó chỉ có thể của một người.

Theo Bộ Công an, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước được xây dựng dựa trên cơ sở có bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta.

Dự thảo Luật Căn cước kì vọng tạo ra đột phá trong đổi mới quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý nhà nước với ý nghĩa lớn nhất vì lợi ích của người dân.

Theo VTV


Lượt xem: 4

Trả lời