Chạy đua với thời gian để tìm hộp đen chuyến bay MH370

Cập nhật 25/3/2014, 13:03:23

Việc tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương khi thời gian phát tín hiệu của hộp đen đang cạn dần.

Thời gian không còn nhiều để tìm ra chìa khóa quan trọng nhất (hộp đen) giúp giải mã những bí ẩn và nguyên nhân tại sao chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia với 239 người trên khoang đã mất tích bí ẩn và được cho là đã rơi xuống Ấn Độ Dương.

Theo hãng tin AP, sau 17 ngày chờ đợi trong đau đớn của người thân các hành khách cùng với các nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia, đêm 24/3, tại cuộc họp báo khẩn cấp, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thông báo rằng, chuyến bay mang số hiệu MH370 đã kết thúc hành trình của mình ở Ấn Độ Dương.

Thông tin được Thủ tướng Najib Razak đưa ra sau khi Công ty Vệ tinh của Anh là Inmarsat đã sử dụng một thuật toán đặc biệt chưa được sử dụng từ trước đến nay để tính toán vị trí cuối cùng của chiếc máy bay Malaysia trước khi mất tích.

“Dựa trên những phân tích mới nhất, Inmarsat và Chi nhánh Điều tra về Tai nạn Máy bay (AAIB) đã kết luận rằng MH370 bay dọc theo hành lang phía Nam và vị trí cuối cùng của nó là nằm ở giữa Ấn Độ Dương về phía Tây của Perth”, ông Najib nói.
 

Lực lượng tìm kiếm của Hải quân Ấn Độ tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích (Ảnh: AP)

 

Công việc khó như “tìm kim đáy bể”

Cho đến thời điểm này, các nỗ lực tìm kiếm đang chạy đua với thời gian để xác định vị trí các hộp đen của chuyến bay MH370 trước khi những tín hiệu (pin) được chúng phát đi sẽ yếu dần.

Theo thiết kế, các hộp đen được trang bị trên máy bay có khả năng gửi đi những tín hiệu trong ít nhất 30 ngày sau khi xảy ra tai nạn. Các chuyên gia cho rằng, hộp đen của chiếc Boeing mang số hiệu MH370 có thể tiếp tục gửi tín hiệu trong 15 ngày nữa hoặc có thể lâu hơn. Điều này phụ thuộc vào năng lượng pin của hộp đen tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra.

Nếu không có các hộp đen (tên gọi của thiết bị ghi âm giọng nói và dữ liệu chuyến bay), các nhà điều tra gần như không thể đưa ra nguyên nhân chính xác khiến một chiếc máy bay gặp nạn.

Theo hãng tin AP, cho đến nay sau hơn 2 tuần tìm kiếm, vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của chiếc máy bay Malaysia rơi xuống, mặc dù Công ty Vệ tinh của Anh là Inmarsat xác định chiếc máy bay bị rơi ở Ấn Độ Dương và một số đội tìm kiếm cho biết đã phát hiện một số vật thể trôi nổi nghi là của chiếc máy bay này.

Trước đó ngày 24/3, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, các vật thể mà phi hành đoàn trên chiếc máy bay P3 Orion của Hải quân nước này phát hiện ra được mô tả là “một vật hình tròn màu xanh (hoặc xám) và “một vật hình tam giác màu da cam”.

Ông Abbott cũng cho biết Australia đã điều động thêm 3 máy bay đến vị trí phát hiện ra các vật thể này.

Cùng ngày, Tân Hoa xã cho biết máy bay Ilyushin IL-76 của Trung Quốc cũng phát hiện ra 2 “vật thể khá to” và một vài vật thể nhỏ hơn màu trắng trôi nổi khoảng vài km trên biển.

Hiện các chuyên gia đang tiến hành phân tích các dòng hải lưu và điều kiện thời tiết trong khu vực để đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho các đội tìm kiếm về vị trí chiếc máy bay đã rơi xuống và đó cũng có thể là vị trí sẽ tìm thấy các hộp đen của máy bay.

Đây là một cuộc chạy đua với thời gian để tiếp cận khu vực và bắt được tín hiệu của  hộp đen trước khi nó ngừng hoạt động – John Goglia, một cựu nhân viên của Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết.
 

Phi công Không quân Hoàng gia Australia bay trên khu vực nghi máy bay Malaysia rơi (Ảnh: Reuters)

 

Mỹ đưa thiết bị tìm kiếm hiện đại nhất để tìm MH370

Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 24/3 cho biết, Mỹ đã cho triển khai một hệ thống định vị hộp đen có tên gọi Pinger Locator và một tàu tự hành tìm kiếm dưới đáy biển tới Australia để tham gia tìm kiếm chiếc hộp đen của chiếc máy bay mất tích.

Pinger Locator là một microphone hình trụ dài khoảng 76cm. Nó có thể thu nhận được tín hiệu từ hộp đen phát đi trong vòng từ 1 – 2 dặm. Khoảng cách này phụ thuộc vào điều kiện địa hình đáy đại dương nơi hộp đen rơi xuống.

“Thiết bị Pinger Locator sẽ được nối với một sợi cáp dài khoảng 6.000m và kéo đằng sau một chiếc tàu di chuyển với tốc độ chậm. Bộ phận nhận âm cực kỳ nhạy cảm của nó có thể ghi nhận được tín hiệu truyền đi từ hộp đen ở độ sâu khoảng 6.100m”, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Chris Budde cho biết.

"Việc sử dụng thiết bị tìm kiếm này là một nỗ lực cùng với các thiết bị định vị khác giúp các nhân viên tìm kiếm giàu kinh nghiệm có thể tiến sát đến khu vực nghi máy bay rơi. Trong trường hợp các mảnh vỡ của máy bay được phát hiện, chúng tôi có thể phản ứng một cách nhanh nhất vì dung lượng pin trong hộp đen là rất hạn chế", ông Budde nói thêm.

Cứ 1/2 giây, thiết bị này lại gửi các dữ liệu qua sợi dây cáp nối với nó để các chuyên gia và các máy tính trên tàu có thể "lắng nghe" và ghi lại những tín hiệu do hộp đen của máy bay phát đi. Chiếc tàu chở thiết bị này sẽ rà soát tại khu vực tìm kiếm (được chia nhỏ thành từng ô vuông) để những người vận hành thiết bị có thể tính toán được nơi có tín hiệu mạnh nhất, đồng nghĩa với việc chiếc hộp đen rất có thể đang ở đó.

Bên cạnh thiết bị Pinger Locator, Mỹ cũng gửi tàu tự hành tìm kiếm dưới đáy biển có tên gọi Bluefin-21 với hệ thống định vị vật thể dưới nước bằng sóng âm hoặc siêu âm hiện đại, có thể xác định được chính xác vị trí của các mảnh vỡ nằm sâu dưới đáy biển.

Ngoài những thiết bị của Mỹ, một chiếc tàu hải quân Australia có tên Ocean Shield dự kiến ​​sẽ đến khu vực tìm kiếm trong vài ngày nữa. Chiếc tàu này cũng được trang bị thiết bị phát hiện âm thanh có thể bắt được tín hiệu phát đi từ hộp đen./.

Theo VOV


Lượt xem: 17

Trả lời