Thủy điện An Khê – Kanak phải bồi thường cho dân

Cập nhật 22/11/2013, 13:11:31

Thủy điện An Khê – Kanak thuộc loại có tầm cỡ ở miền Trung và Tây nguyên. Sự an nguy của nó ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực thuộc ba tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên.

 

Thủy điện này gần như bị lũ lớn chôn vùi, giữa cơn khốn đốn nó đã phải xả lũ bất thường trong đêm, khiến thị xã An Khê (Gia Lai) chìm trong biển nước. Nguyên nhân dẫn đến việc thủy điện An Khê – Kanak bị lũ tràn chắc không đến nỗi khó nhận biết, đúng như Bí thư thị ủy An Khê Trịnh Duy Thuân bình luận: “Những gì xảy ra vừa qua đều xuất phát từ chuyện mất rừng.

Rừng bị khai thác cạn kiệt, rừng và thảm thực vật dưới tán rừng không còn để giữ nước và điều tiết nước như ngày xưa, thủy điện không thể không liên quan đến thực trạng ấy”.

Rừng chết không chỉ do lâm tặc. Thủy điện mới là thủ phạm quan trọng, phá hàng ngàn hecta rừng nhưng chỉ trồng bù lại có 3%. Người xưa vẫn nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nhân nào thì quả đấy, rừng bị tàn phá tất yếu sẽ trả đũa. Rừng giận, trút lên đầu thủy điện, thủy điện tránh đòn, đổ nước xuống dân. Đó là “kịch bản” được trình diễn tại thủy điện An Khê – Kanak.

Vụ lũ tràn thủy điện An Khê – Kanak là một tai họa nghiêm trọng. Sự việc xảy ra ngày 15-11, nhưng mấy ngày sau đó vẫn nằm lặng trong bóng tối. Ngay cả người dân trong khu vực bị xả lũ cũng không hiểu tại sao bỗng dưng bốn bề bị nước vây. Mãi đến ngày 19-11, khi báo chí lên tiếng thì ông giám đốc thủy điện mới mở cửa cho một vài nhà báo vào nhà máy chứng kiến hiện trường. Theo lời ông giám đốc nhà máy, sự việc được báo cáo rất sớm lên cơ quan chủ quản là Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Vậy mà cho tới giờ EVN vẫn không lên tiếng, dù đây không phải là bí mật quốc gia hay thông tin thuộc loại cấm công bố. Điều đó nói lên cái gì, phải chăng những người có trách nhiệm ở EVN muốn bưng bít?

Thủy điện An Khê – Kanak là doanh nghiệp nhà nước, tiền làm thủy điện là tiền dân, đồng nghĩa với chuyện người dân phải được biết cái gì đang xảy ra với đồng tiền của mình. Điều đó buộc EVN phải công bố sự việc xảy ra ở thủy điện An Khê – Kanak. Không chỉ công bố sự việc, EVN còn phải thông báo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, mức độ thiệt hại, đặc biệt là nghĩa vụ bồi thường những tổn thất cho người dân vùng bị thủy điện xả lũ. Đây là quyền đòi hỏi chính đáng của người dân, dẫu muốn hay không EVN cũng phải đáp ứng yêu cầu này.

Theo Tuổi Trẻ Online


Lượt xem: 30

Trả lời