NSND Doãn Châu: “Phù thủy” của mỹ thuật sân khấu

Cập nhật 14/5/2019, 08:05:50

Ông đã thiết kế mỹ thuật gần 400 vở diễn, tiêu biểu như “Hà My của tôi”, “Đỉnh cao mơ ước”, “Sống mãi tuổi 17”, “Rừng trúc”, “Vua Lia”…

Hà Nội những năm đầu giải phóng, ngày đó NSND Doãn Châu mới chỉ là một cậu bé say mê sân khấu. Cùng với nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ múa rối Văn Học, ông ghi tên tham gia đội kịch thiếu niên của thành phố lúc đó. Lần đầu xuất hiện trong vai chính của vở “Lỳ và Sáo” trên sân khấu Nhà hát lớn, ngọn lửa đam mê đã được thổi bùng lên trong ông.

 NSND Doãn Châu bồi hồi nhớ lại: “Tôi đã có một tuổi thơ gắn liền với nghệ thuật sân khấu. Khi tôi mới 11, 12 tuổi, tôi là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Việt Nam trong những chương trình thiếu nhi và đồng thời tham gia ban kịch của câu lạc bộ thiếu niên và được diễn nhiều vở nổi tiếng”.
 nsnd doan chau: "phu thuy" cua my thuat san khau hinh 1

NSND Doãn Châu

Xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn, ông đã lăn lộn qua mọi cung bậc cảm xúc của những thân phận nhân vật nên khi đến với mỹ thuật sân khấu, ông luôn cùng đạo diễn tìm hiểu kĩ kịch bản để tạo điều kiện tốt nhất cho diễn xuất của diễn viên. Có những vở diễn ông mất ba tháng ròng suy tư, ngẫm nghĩ mới ra được thiết kế như “Vua Lia”. Ở đó Doãn Châu đưa một tác phẩm kịch kinh điển thế giới về với hình thức ước lệ đặc trưng của sân khấu truyền thống nước ta.

Sân khấu biến đổi trong từng lớp lang, lúc đầu là chiếc vương miện khổng lồ rồi khi xoè ra là những con đường đi đến quyền lực, phút chốc lại là lâu đài trói buộc Vua Lia và kết thúc là tấm mồ chôn vùi vua Lia. “Nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật sân khấu của Việt có sự tương đồng, trùng hợp thú vị. Khi nghệ thuật thiết kế mỹ thuật sân khấu của ta kết hợp với nghệ thuật hiện đại cộng với yếu tố ước lệ sẽ thể hiện rõ nét hơn nội dung tư tưởng của vở diễn. Đồng thời điều đó tạo được hình thức thú vị, hiện đại để người đạo diễn có thể căn cứ vào đó có thể làm nên những vở diễn độc đáo”, NSND Doãn Châu chia sẻ.

Tôn thờ sân khấu, luôn khát khao cống hiến những sáng tạo xuất sắc nhất, NSND Doãn Châu luôn đặt cá tính nghệ thuật của mình lùi sau mỗi thiết kế, bởi mỗi thiết kế mang một vẻ riêng. Nếu ở vở diễn “Tú Xương” hoành tráng khi ông mang cả cổng thành cổ kính với những chùm rễ xù xì lên sân khấu tạo ra một bối cảnh rất Nam Định, đưa người xem như ngược về quá khứ thì vở diễn “Thủ lĩnh áo tràm” lại hết sức đơn giản, tạo nên vẻ hoang sơ với sân khấu ước lệ. Trong vở kịch “Rừng trúc” ông lại mang không khí thanh cao, dáng dấp lịch sử in đậm trong từng chi tiết sân khấu. Chiếc cột mang biểu tượng của Trần Thủ Độ xuyên suốt từ đầu đến cuối vở đã tạo ấn tượng mạnh về nhân vật lịch sử này.

Nhìn lại gần 400 vở diễn do ông thiết kế mỹ thuật mới hay sự biến hoá khôn lường của ông. Mỗi vở là một tìm tòi, cách biểu hiện khác nhau, mỗi bản thiết kế mỹ thuật cho kịch là một tác phẩm sáng tạo cho hình thức vở diễn, khi thì trừu tượng, lúc lại chuyển sang hiện thực rồi ấn tượng. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Doãn Châu là một nghệ sĩ gạo cội của sân khấu nước nhà, am hiểu văn hoá Đông Tây kim cổ: “Con đường mà nổi trội nhất là con đường của hoạ sĩ trên sân khấu. Xuất thân từ một diễn viên có nghề, được đào tạo cơ bản về hội hoạ nên anh Châu biết được ngôn ngữ, những nét cọ của mình tác động đến sân khấu. Đặc biệt anh Châu còn am hiểu mối quan hệ chặt chẽ giữa sân khấu kịch với sân khấu truyền thống, giữa tính hiện thực với tính ước lệ”.

Sau gần 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu, hoạ sĩ, NSND Doãn Châu vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao sân khấu có sức hấp dẫn với ông như thế. Khi đã đi qua tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn đau đáu nỗi niềm với sân khấu bởi vì sân khấu đã cho ông đến nhiều quốc gia trên thế giới. Khi những hào quang đã lui về quá khứ, tác giả của những thiết kế đi cùng năm tháng như “Hà My của tôi”, “Sống mãi tuổi 17”, “Rừng trúc”, “Vua Lia”…giờ đây vui thú với niềm đam mê hội hoạ. Vẽ không chỉ giúp NSND Doãn Châu thư giãn mà còn thể hiện sự lạc quan yêu đời của ông với con đường nghệ thuật. Đó cũng là cách ông ghi chép lại cho bảo tàng sân khấu mơ ước của ông./.

Theo VOV


Lượt xem: 30

Trả lời