“Nhìn dã quỳ thổn thức nhớ khi xưa”

Cập nhật 07/4/2020, 07:04:48

Là một sự tình cờ, vào mùa hoa dã quỳ nở áp Tết Canh Tý, tôi đọc được bài thơ của một cựu chiến binh viết năm 2016 khi thăm lại chiến trường Lào.

Là một sự tình cờ, vào mùa hoa dã quỳ nở áp Tết Canh Tý, tôi đọc được trên Facebook của một cô giáo dạy Văn đã nghỉ hưu, bài thơ của một cựu chiến binh viết năm 2016 khi thăm lại chiến trường Lào. Khi đọc bài thơ của chồng mình, cô đã khóc.

Bài thơ nhan đề “Nói với dã quỳ” mở đầu như thế này:

Hoa dã quỳ lại đón chúng tôi sang

Màu vàng rực một góc trời Xiêng Khoảng

Những người lính đi qua thời bom đạn

Nhìn dã quỳ thổn thức nhớ khi xưa

“Khi xưa” trong ký ức người lính là thế này:

…Chiến dịch mùa khô, phòng ngự mùa mưa

Vạt dã quỳ tả tơi trong khói lửa

Máu đồng đội nhuộm hoa vàng hoá đỏ

Nắm cơm ai rơi bên gốc dã quỳ!?…

Qua bạn bè, tôi tìm được địa chỉ của tác giả bài thơ, trung tá cựu chiến binh Bùi Minh Sơn, hiện ở tại Yên Viên (Hà Nội). Và trong tiết trời rét lạnh, chiều 9/2/2020 thăm gia đình anh. Vóc người cao lớn, giọng nói rổn rảng, Bùi Minh Sơn “ dẫn” chúng tôi thăm Cánh đồng Chum-Xiêng  Khoảng, kể lại những tháng năm chiến đấu ở chiến trường Lào, những lần anh cùng các cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, thăm lại chiến trường xưa, được sống trong tình cảm thân thiết đón “Ải Nọong Tháp Việt” (anh em bộ đội Việt) của nhân dân Lào, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các cháu thiếu nhi.

Trung tá Bùi Minh Sơn khoe rằng các anh đã tập hợp hồi ức, kỷ niệm của các thế hệ chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, in được hai tập sách (tập 8 và 11) trong loạt sách “Ký ức người lính” do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2019. Chúng tôi trách anh rằng những tập sách quý ấy sao không phổ biến rộng rãi để mọi người cùng biết. Anh phân trần “văn vẻ” không ra sao nên cũng ngại. Trong lời đề tặng tôi trên trang đầu hai cuốn sách, anh viết: “… Để hiểu thêm về một chiến trường chưa có nhiều người biết”.

"nhin da quy thon thuc nho khi xua" hinh 1
Bìa hai quyển “Ký ức người lính” tập 8 và 11.

Trân trọng những gì mà các thế hệ chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào để lại trong lịch sử hai nước Việt Nam – Lào, tôi đã đọc (và ghi chép cẩn thận) cả 1000 trang sách, không bỏ sót một trang nào. Đây quả là một kho  tư liệu sống động  được viết bằng mấy chục năm chiến đấu hy sinh của hàng vạn người con nước Việt cùng nhân dân các bộ tộc Lào.

Đầu tập 8 cuốn sách đưa trang trọng Thư chúc mừng đề ngày 25/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tập 11 đưa thư Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 15 tháng 6 năm 2015 hoan nghênh Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Công trình “Ký ức người lính” đã có sáng kiến triển khai và thực hiện thành công bước đầu Công trình sách “Ký ức người lính”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, động viên cán bộ chiến sĩ, những người đã trải qua những năm tháng chiến tranh, viết về những kỷ niệm, ký ức sâu sắc nhất của mình trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt , để lưu giữ, làm phong phú thêm kho tư liệu lịch sử…

"nhin da quy thon thuc nho khi xua" hinh 2

Cũng  tập 11, ở trang 14 đăng bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhan đề “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào đời đời bền vững”. Là người  “được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo việc giúp đỡ, phối hợp với cách mạng Lào trong một thời gian dài”, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điểm lại “mối quan hệ liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt thuỷ chung, son sắt hiếm có” giữa hai Đảng, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào”. Mối quan hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sáng, được các đồng chí Cay- xỏn Phôm- vi hẳn, Xu- pha- nu- vông và các đồng chí lãnh đạo hai Đảng tiếp tục phát huy, vun đắp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: Hai Đảng coi “mối quan hệ đó là quy luật phát triển, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản vô giá của hai dân tộc”.

Mỗi một tập sách đều chia làm ba phần : Những dấu son thời chống Pháp – Bản hùng ca chung chiến hào đánh Mỹ –  Đoàn kết giúp nhau xây dựng đất nước và bảo vệ thành quả cách mạng. Trong tập sách còn có nhiều ảnh tư liệu quý như bức ảnh chụp Bác Hồ với Hoàng thân Xu- pha -nu -vông tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp; Bác Hồ tiếp đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Tổng bí thư đảng Nhân dân cách mạng Lào tại Hà Nội năm 1966, cùng nhiều bức ảnh các đồng chí lãnh đạo Lào thăm các đơn vị Quân tình nguyên Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Lào.

"nhin da quy thon thuc nho khi xua" hinh 3

Có một sự thật lịch sử mà ít người để ý, được nói nhiều trong những trang sách: đó là khi miền Bắc nước ta còn đang ở trong thời kỳ thực hiện kế hoách 5 năm lần thứ nhất, đâù những năm 60 của thế kỷ trước, thì những đoàn quân tình nguyện đầu tiên đã lặng lẽ lên đường sang chiến trường Lào, tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ “Tây tiến” trong kháng chiến chống Pháp, với tâm niệm rất trong sáng  rằng “giúp bạn là giúp mình”.

Cũng là những ngày đêm “ba cùng” với nhân dân Lào xây dựng căn cứ kháng chiến cho cách mạng Lào, xây dựng hậu cứ cho những trận đánh lớn nhỏ của lực lượng vũ trang hai nước. Cũng là những đêm cắt dây thép gai cứ điểm địch, vào đồn trinh sát. Cũng là những ngày đêm mang vác, luồn rừng, đưa pháo lên điểm cao nã vào sân bay, hậu cứ của lính Vàng Pao, quân đội phái hữu Lào và lính đánh thuê Thái Lan. Khác với thời kỳ chống Pháp, những trận đánh có hiệp đồng binh chủng, có xe tăng và pháo lớn tham dự, có lực lượng pháo cao xạ đánh trả máy bay Mỹ.. đã  liên tục diễn ra, chiến dịch sau quy mô hơn chiến dịch trước. Hầu hết những bước ngoặt của cách mạng Lào đều có đóng góp của những chiến thắng của liên quân Việt – Lào.

Hàng loạt những chỉ huy cấp cao của quân đội ta: tướng Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Đặng Tính, Vũ Lập, Nguyễn Quốc Thước…đã xuất hiện trong hai tập hồi ký. Cả con đường phía Tây dải Trường Sơn cũng hiện lên trong ký ức người lính. Nhiều trận đánh cấp chiến dịch ở khu vực Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng được nhắc tới.  Sự chỉ huy  từ Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, những trận đánh lớn nhỏ  đều được các tướng lĩnh và người chiến sĩ kể lại, chi tiết đến từng tên người, từng đoạn chiến hào.

Trong hồi ký của mình, thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính uỷ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, đã nêu rõ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào luôn ghi nhớ tâm nguyện của đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon (sau này là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), cũng là tâm nguyện của các đống chí lãnh đạo Đảng Lào: nước Lào ít người lắm. Cần đánh thắng bằng cách bắt sống “nguỵ Lào” để giáo dục họ nhằm phục vụ cho cách mạng. Những người này không phải là những người căm thù cách mạng, họ chỉ vì nghèo mà bị giặc mua chuộc mà thôi. Chúng ta phải giáo dục họ, kéo họ về phía ta.

Sinh động nhất là những câu chuyện muôn hình muôn vẻ của những người lính trực tiếp cầm súng và lăn lộn với  người dân Lào. Những ký ức không thể nào quên như chuyện ở một bản Lào, những người mẹ đang nuôi con bú đã vắt sữa của mình bón cho thương binh. Chuyện ở một bản Lào (bản  Mạy, Chăm-pa-sắc) người mẹ  Lào (mẹ Ly) đã dấu người chiến sĩ vào buồng con gái mình để che mắt bọn lính Pháp lùng sục, và sau khi giặc đi, đã làm một “ đám cưới giả” vì theo phong tục của bản, chỉ có người chồng mới được vào buồng này.

 Chuyện ở một bản Lào, một người mẹ Lào “đi tìm trâu” đã chỉ đường cho đại đội đặc công S1 sau khi đánh địch trên quốc lộ 13 khu vực mường Xay-tha-ny, thoát khỏi vòng vây địch, lại còn chỉ rõ chỗ dấu thuyền cho bộ đội vượt sông Nậm Ngừm. Và rất nhiều buổi lễ “buộc chỉ cổ tay” kết nghĩa anh em với người lính tình nguyện, chúc phúc cho các con” bộ đội nhà Phật” được bình an…

Tôi có cái may mắn là đã được đi đến tỉnh Hủa Phăn (Bắc Lào), các tỉnh A-ta-pư, Sê Công (Nam Lào) và từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) của Việt Nam mấy lần đi đường bộ đến Viên Chăn. Đọc hai tập “Ký ức người lính” về Quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam tại Lào, chỉ tiếc là không được đọc sớm hơn để khi rong ruổi trên đất nước Lào, cảm nhận sâu sắc hơn nghĩa tình Việt Lào “tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”. Nhớ mãi lần Đảng và Nhà nước ta kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn đã phá bỏ thông lệ ngoại giao, dùng tiếng Việt để đọc bài phát biểu của mình trước cử toạ.

Đất nước Lào đã trở thành “Tổ quốc thứ hai” của nhiều người chiến sĩ Việt Nam. Nhiều gia đình người Lào đã trở thanh gia đình của người lính tình nguyện. Nỗi nhớ thương đất nước và người dân Lào thường trực trong tâm trí của nhiều “người lính Cụ Hồ”. Một buổi chiều Hà Nội mưa, thiếu tướng Bùi Minh Thứ, Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào thành phố Hà Nội đã cảm xúc thành thơ:

Chiều nay Hà Nội mưa

Cơn mưa rào đầu hạ

 Bao năm trời xa cách

Anh nhớ mưa rừng Lào…

…Trận chiến không kể mùa

Đạn bom địch như mưa

Khi mưa bom vừa dứt

Chim hót, hoa đong đưa…

…Ở bên này anh nhớ

Những mùa mưa năm xưa

Ao ước đến bao giờ

Thăm rừng Lào trong mưa…(bài thơ “Mưa rừng Lào tháng 4/2016)

“Miên man rừng xưa – chiến địa cũ”, cựu binh Nguyễn Tiến Dũng viết:

Tôi đi gặp những tấm long

Lào Lum, Lào Sủng, Lào Thang (Thơng) mặn mà

…Buồn vui theo những tháng năm

Việt – Lào tình nghĩa trăm năm vững bền… (bài thơ “Rừng Lào”)

Những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã sống nhiều đêm hoài niệm về đồng đội. Họ đã cùng với các cơ quan chức năng và sự giúp đỡ chí tình của các bạn Lào, quy tập và đưa về Việt Nam hàì cốt nhiều chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào hy sinh trên đất. Bên cạnh họ, còn có sự thông cảm và giúp sức của những người cha, người mẹ, người vợ, người con – hậu phương vững chắc của người lính.

"nhin da quy thon thuc nho khi xua" hinh 4

Trở lại buổi gặp mặt tại nhà Trung tá Bùi Minh Sơn, nhà giáo về hưu Đinh Ngọc  Lan, hoa khôi của khóa sinh viên khoa Văn Cao đẳng sư phạm Hà Nội (1972-1975) cứ tủm tỉm cười mà thổ lộ rằng: có bao người đặt vấn đề, nhưng Lan không ưng ai, chỉ ưng mỗi anh lính trẻ đang chiến đấu tại Lào.

Và ở Đài Tiếng nói Việt Nam, có một phóng viên mà tập sách nói rõ rằng trong ký ức của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội Lào còn nhớ: đó là thầy giáo Bùi Đức Huyên, giáo viên văn hoá Trường Văn hoá Xuân Thành (Nghệ An), một thời gian dài nhiều cán bộ, thanh niên Lào yêu nước đã theo học.

Anh Bùi Đức Huyên trước khi nghỉ hưu, là phóng viên buổi phát thanh Thanh Niên của Đài Tiếng nói Việt Nam./.

Theo VOV


Lượt xem: 29

Trả lời