Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc Kháng

Cập nhật 07/10/2019, 08:10:44

Nghệ nhân Lò Thị Pháư đã nghiên cứu tìm tòi, lưu giữ và phát triển những nét đặc sắc của văn hóa Kháng.

Nghệ nhân Lò Thị Pháư ở bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu tìm tòi, lưu giữ và phát triển những nét đặc sắc của văn hóa Kháng.

Bên lòng hồ thủy điện Sơn La xanh biếc, nghệ nhân Lò Thị Pháư năm nay 65 tuổi vẫn say sưa truyền dạy cho đội văn nghệ thanh niên của bản những bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc mình.

nghe nhan nang long voi van hoa dan toc khang hinh 1
Nghệ nhân Lò Thị Pháư.

Trong câu chuyện, bà Pháư kể: Người Kháng ở Chiềng Ơn vốn sống rải rác ven sông Đà, chủ yếu phát nương làm rẫy theo lối “chọc lỗ tra hạt”, lúa nương được coi là nguồn lương thực chính. Ngoài ra, bà con còn trồng bông đổi lấy vải, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Người phụ nữ Kháng rất giỏi đan lát, những chiếc ghế mây, mẹt, nia, đến hòm, gùi… đều do bàn tay phụ nữ Kháng tạo ra. Từ nhỏ, họ đã được truyền dạy cách may vá, thêu thùa, cách nấu những món ăn truyền thống và điệu múa tăng-bu.

Bây giờ đã có tuổi, bà Pháư luôn khát khao, mong muốn những thế hệ tiếp sau trân trọng và biết giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình. Bà tâm sự: “Truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Kháng đang bị mai một, bây giờ phải mở lớp dạy, dạy làm trang phục, dạy hát, dạy múa để con cháu mai sau học tập và ai cũng biết làm”.

Bà Pháư cho biết thêm, âm nhạc và múa dân gian của dân tộc Kháng trước đây khá phong phú, bây giờ đã bị mai một nhiều bởi lớp trẻ bận đi học, đi làm nên ít có thời gian quan tâm đến văn hóa cổ truyền của dân tộc. Những người hát được dân ca, chơi được nhạc cụ dân tộc cũng ngày càng ít dần, hầu hết đã cao tuổi, còn lớp trẻ thì chỉ biết múa.

 Đó cũng chính là lý do từ nhiều năm nay, bà Pháư luôn đau đáu việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Đặc biệt trong những năm làm Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn, cùng với việc giúp nhân dân trong xã phát triển kinh tế, ổn định đời sống, bà và các cán bộ ở xã đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Kháng, thông qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán, hay những thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn cho biết: “Sau khi nghỉ hưu, bà Lò Thị Pháư đã đi tìm tòi, học hỏi các cụ già để khơi dậy lại bản sắc dân tộc Kháng về truyền thống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với các trò chơi dân gian. Hiện nay bà đã tìm tòi, tìm hiểu được và thành lập đội văn hóa, văn nghệ”.

Nay khi đã nghỉ hưu, bà Pháư vẫn tích cực dẫn dắt đội văn nghệ của xã, truyền lại các điệu múa cổ truyền, như: Au eo, cơ dơng, hưn mạy… Bà còn tự bỏ tiền mua trang phục, tự tay làm đạo cụ múa cho các thành viên. Bà cùng với cán bộ xã đến từng nhà, vận động từng người tham gia Câu lạc bộ. Đến nay, Câu lạc bộ đã có hơn 20 thành viên luôn tâm huyết, hăng say, tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Kháng.

Chị Lò Thị Dương, thành viên Câu lạc bộ phấn khởi: “Bà Pháư rất tâm huyết với văn hóa của dân tộc Kháng. Bà đã mở lớp để dạy chúng tôi những làn điệu, điệu múa của dân tộc Kháng, qua đó chúng tôi hiểu rõ hơn và thêm yêu phong tục của dân tộc mình. Chúng tôi sẽ tiếp nối nhiệt huyết của bà để truyền dạy văn hóa dân tộc Kháng cho con em”.

Không chỉ am hiểu về văn hóa dân tộc Kháng, những năm qua, nhờ có sự tham gia giúp đỡ của nghệ nhân Lò Thị Pháư, huyện Quỳnh Nhai đã phục dựng và tái hiện thành công một số lễ hội truyền thống của dân tộc Kháng, như Lễ hội rượu cần, Lễ Xên Pang Ả, góp phần quảng bá, xây dựng hình ảnh đẹp về văn hóa, con người huyện Quỳnh Nhai nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung với du khách gần xa.

Trên cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Kháng, hiện nay, bà Pháư vẫn tích cực tìm tòi, xây dựng và khôi phục nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm duy trì dòng chảy văn hóa Kháng trường tồn với thời gian./.

Theo VOV


Lượt xem: 82

Trả lời