Học sinh lớp 10, 11 có nên đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực?

Cập nhật 23/3/2023, 12:03:20

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐHQG Hà Nội) khẳng định, nếu như đánh giá kiến thức, kỹ năng toàn bộ chương trình THPT thì việc học sinh lớp 10, lớp 11 dự thi không có nhiều ý nghĩa và chỉ giảm được 1 phần

Tính đến tháng 3/2023 có 10 kỳ thi riêng được các trường đại học công bố. Đáng chú ý, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm TP. HCM là hai kỳ thi cho phép học sinh đã hoặc đang học THPT đăng ký. Điều này có nghĩa học sinh từ lớp 10 có thể tham dự kỳ thi riêng, kết quả được bảo lưu trong hai năm để xét tuyển đại học.

Tuy nhiên, học sinh đang học lớp 10, lớp 11 có nên tham dự các kỳ thi tuyển sinh hay không? Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức có cho phép học sinh đang học lớp 10, lớp 11 tham dự? Trong bối cảnh nở rộ các kỳ thi tuyển sinh riêng, thí sinh có nhất thiết tham dự nhiều kỳ thi? Thí sinh có nên chạy đua ôn luyện tại các Trung tâm luyện thi hay không? Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Học sinh lớp 10, 11 không nên đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (HSA)

Phóng viênThưa ông, quy chế của một số kỳ thi riêng cho phép học sinh đang học THPT (kể cả học sinh lớp 10, lớp 11) được phép tham gia các kỳ thi này. Điều này, theo ông có phù hợp hay không?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Mặc dù hiện nay có khoảng 10 kỳ thi riêng được các trường xác nhận tổ chức nhưng quy mô, tính chất của mỗi kỳ thi là khác nhau. Có những kỳ thi quy mô rất thấp chỉ 500 – 1000 thí sinh; có những kỳ thi có quy mô 10.000-100.000 thí sinh.

Về việc học sinh lớp 10, lớp 11 tham gia các kỳ thi tuyển sinh sớm có phù hợp hay không? Trước hết mỗi kỳ thi dù là kỳ thi tuyển sinh hay kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đều có mục tiêu rõ ràng. Thứ hai, các kỳ thi đều tuyên bố đối tượng dự thi cụ thể. Thứ ba, ma trận đề thi, dạng thức đề thi được thiết kế, đánh giá cái gì? Nếu như đánh giá kiến thức, kỹ năng toàn bộ chương trình THPT thì việc học sinh lớp 10, lớp 11 dự thi không có nhiều ý nghĩa và chỉ giảm được 1 phần. Còn nếu như chúng ta xác định năng lực từng bậc, cấp độ khác nhau thì lúc đó chúng ta mới xác định đối tượng thí sinh có phù hợp hay không. Do vậy, chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng phải xem dạng thức, đối tượng của kỳ thi đó là đối tượng như thế nào thì mới xác định phù hợp hay không phù hợp.

Phóng viênĐối với kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức, quy chế thi có cho phép học sinh lớp 10, lớp 11 tham gia hay không?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Quy chế thi đánh thi năng lực của ĐHQG Hà Nội xác đinh, mục tiêu là đánh giá những nhóm năng lực chủ đạo của học sinh tốt nghiệp chương trình THPT. Do vậy chúng tôi hướng tới những đối tượng dự thi học sinh đang học lớp 12 hoặc tương đương, hoặc các bạn đã tốt nghiệp chương trình THPT.

Thứ hai, ma trận đề thi, dạng thức đề thi đánh giá năng lực 70% kiến thức của lớp 12; 30% kiến thức lớp 10, 11. Trong đó, phần 3 chỉ tập trung 30% kiến thức lớp 11; Phần 1, phần 2 có 10% kiến thức của lớp 10. Với ma trận đề thi như vậy học sinh lớp 10, 11 có dự thi thì cũng không đạt được mức độ trung bình hay điểm tối thiểu là 50%. Giả thiết các em làm được tất cả những câu hỏi từ dễ đến khó của khối kiến thức, kỹ năng thuộc khối lớp 10, lớp 11 nhưng về tổng thể vẫn chưa đạt được với mức độ trung bình của toàn bài thi thì việc quyết định có nên thi hay không hoàn toàn dựa vào quyết định của thí sinh.

Đến thời điểm này ĐHQG Hà Nội chưa ghi nhận thí sinh lớp 10, 11 nào có nguyện vọng đăng ký dự thi và chúng tôi cũng khuyến cáo em học sinh đang là học sinh lớp 10, 11 chưa nên đăng ký dự thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

Phóng viênĐối với các nền giáo dục phát triển trên thế giới như Mỹ không chỉ cho phép học sinh lớp 10, 11 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực mà thậm chí các em còn có quyền học trước một số học phần, tín chỉ của đại học nếu có nguyện vọng. Chúng ta có nên khuyến khích xu hướng này không? 

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng ta khuyến khích học sinh học sớm, học trước hay không? Quan điểm cá nhân của tôi là khuyến khích. Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam có Nguyễn Hiền, 13 tuổi đỗ trạng nguyên rồi. Đây không phải là việc mới. Thứ hai, một số trường đại học (ngay cả ĐHQG Hà Nội) cũng khuyến khích những thí sinh đặc biệt là học sinh THPT trường Chuyên có thể tích lũy một số tín chỉ của chương trình đại học. Như vậy về cơ chế chính, sách đã tạo điều kiện cho các bạn.

Vấn đề đặt ra là những học sinh nào có đủ điều kiện, đủ kiến thức, đủ năng lực để học trước? Nếu các bạn đã tốt nghiệp hoặc đã tích lũy đủ về lượng, về chất để có thể học trước một số môn khoa học của bậc đại học chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.

Trở lại câu hỏi có khuyến khích học sinh lớp 10, 11 dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi riêng hay không? Khi các bạn tham dự một kỳ thi mà chưa nắm rõ, chưa hiểu biết đầy đủ hoặc chưa tích lũy đủ kiến thức kết quả thi của các bạn sẽ rất thấp. Dĩ nhiên ở đây chúng ta không đề cập đến những thí sinh là những nhân tài. Tuy nhiên, nếu là những học sinh tài năng chúng ta có rất nhiều cách để lựa chọn, tuyển sinh. Ví dụ các em đạt giải quốc gia, quốc tế… những giải thưởng này đã đủ để các em được tuyển thẳng hoặc ưu tiên tuyển thẳng vào các trường đại học danh giá, những ngành đào tạo mong muốn.

Ngược lại nếu các em tham dự các kỳ tuyển sinh sớm với tâm thế thử sức, may rủi, tìm kiếm một cơ hội chúng tôi khuyên không nên vì việc đó là mạo hiểm. Nếu đạt điểm cao mình làm gì? Có chờ đợi 1, 2 năm để nhập học hay chỉ là ngộ nhận về năng lực của mình? Trong trường hợp đạt điểm thấp có thể khiến các em bi quan. Đó là những lý do chúng tôi nhắc các em phải xác định, tìm hiểu rõ về các kỳ thi cũng như mục tiêu, năng lực mình của mình trước khi đặt bút ký quyết định có tham gia vào kỳ thi hay không?

Phóng viênNgoài ra, nếu học sinh từ lớp 10, lớp 11 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ tăng thêm áp lực cho các em?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Học sinh thì luôn có áp lực. Áp lực học tập trên lớp, áp lực thành tích, áp lực thi cử… Tôi nghĩ, trường học không chỉ dạy kiến thức để học sinh đi thi. Trường học ngoài dạy kiến thức, kỹ năng còn dạy thái độ, đạo đức, chuyên môn… Những thứ đó được đào tạo, bổ trợ trong suốt quá trình học. Do vậy đừng nghĩ rằng chỉ học tốt để đi thi. Nếu chỉ nghĩ học tốt để đi thì các em chỉ có một chút về kiến thức nhưng sẽ hổng về kỹ năng, thái độ, đạo đức. Kỹ năng sống là thứ mà học sinh cần phải có trước khi tốt nghiệp THPT để vào học đại học hay đi làm. Điều các em cần làm là tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng sống để trong mọi tình huống có thể ứng xử được, kể cả có thi hay không thi thì đều đối diện một cách bình tĩnh.

Luyện thi đánh giá năng lực chỉ có ý nghĩa trấn an tâm lý

Phóng viên: Quay trở lại với Kỳ thi đánh giá năng lực, vừa rồi ĐHQG Hà Nội đã khởi động đợt thi đầu tiên của năm 2023. Ông có đánh giá thế nào về đợt thi đầu tiên này? So với năm 2022, sự quan tâm của thí sinh đối với kỳ thi do ĐHQG Hà Nội tổ chức ra sao?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: ĐHQG Hà Nội đã hoàn thành được đợt thi đầu tiên vào 13/3 với khoảng 97% thí sinh dự thi. So với những năm trước, năm 2023 thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực cẩn thận hơn, chu đáo hơn, tiếp cận kỳ thi đầy đủ, nhiều thông tin hơn. Có thể do thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các em quay trở lại trường học được sự tư vấn, hỗ trợ của nhà trường, hoạt động tư vấn tuyển sinh diễn ra sôi động hơn nên các em có sự chuẩn bị kỹ cả về ý thức lẫn kiến thức.

Tuy nhiên khi càng đông thí sinh dự thi thì áp lực của kỳ thi càng lớn. ĐHQG Hà Nội đã và đang cố gắng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thí sinh. Việc chuẩn bị tốt cho kỳ thi cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới kỳ thi được mở rộng ở nhiều địa phương, nhiều địa điểm hơn nữa.

Phóng viênNhiều thí sinh có nguyện vọng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội nhưng không tham dự được vì cách quá xa điểm thi. Vậy, năm nay mạng lưới điểm thi có được ĐHQG Hà Nội mở rộng không? 

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội là kỳ thi được tổ chức trên máy tính. ĐHQG Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong tổ chức thi trên máy tính. Đến nay chúng tôi có 2 năm kinh nghiệm tổ chức và mong muốn kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phổ quát đến nhiều tỉnh thành hơn, tạo điều kiện cho nhiều thí sinh ở các khu vực nông thôn, miền núi tham dự.

Tuy nhiên, vì đây là kỳ thi trên máy nên có những điều kiện, tiêu chuẩn ngặt nghèo về độ an toàn, kỹ thuật, đường truyền, bảo mật an ninh… Để mở thêm một địa điểm thi không hề đơn giản như các kỳ thi trên giấy.

Năm 2023, Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc – những địa phương đủ điều kiện để tổ chức. Sang năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa kỳ thi đến nhiều tỉnh, thành hơn. Có thể sau khi đã phủ rộng các tỉnh phía Bắc, kỳ thi sẽ mở đến dải miền Trung như Hà Tĩnh chẳng hạn…

Phóng viênHiện nay trên mạng xã hội, nhiều trung tâm dạy thêm, học thêm, gia sư quảng cáo tổ chức ôn thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Vậy, thí sinh có nên chạy đua để ôn luyện tại các Trung tâm luyện thi hay không?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo:  Đối mặt với bất kỳ một kỳ thi nào, theo thói quen, học sinh, phụ huynh đều đặt câu hỏi là nên ôn luyện ở đâu, như thế nào? Về mặt chủ quan, chúng ta cũng phải nhiên thừa nhận rằng có ôn tập thì sẽ có kết quả cao.

Tuy nhiên với các kỳ thi riêng hoặc kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, thí sinh có cần đến các Trung tâm luyện thi hay không? Nếu luyện thi ở đó thì kết quả có tốt không? Thông thường các Trung tâm luyện thi sẽ dạy cho thí sinh các mẹo để làm bài hoặc luyện cho thí sinh các dạng bài khác nhau, thậm chí là dạy “tủ”. Thí sinh hy vọng mình trúng đề này, trúng đề kia, điều đó khích lệ cho các em rất nhiều.

Nhưng với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, chúng tôi thiết kế ngân hàng câu hỏi đủ lớn và việc ôn luyện tủ có xác suất trúng vô cùng thấp. Một ngân hàng đề thi với 10-20 nghìn câu hỏi thì không một Trung tâm luyện thi nào có thể luyện được. Thậm chí nếu học sinh luyện quen thuộc một dạng bài thì xác suất trúng tủ cũng vô cùng thấp.

Việc luyện thi theo tôi chỉ phù hợp với những kỳ thi kiểm tra kiến thức hoặc với kỳ thi có số lượng đề nhất định. Với một kỳ thi như kỳ thi đánh giá năng lực có ngân hàng câu hỏi đủ lớn, hướng tới kiểm tra những nhóm năng lực của thí sinh thì việc luyện thi chỉ giúp cho các em có tâm lý yên tâm nhưng ở góc độ chuyên môn thì việc luyện thi ở trung tâm hay ôn tập ở nhà, ở trường học sẽ có kết quả như nhau. Bởi nếu học sinh không tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng sẽ không đạt được kết quả cao.

Phóng viênNăm 2022 có nhiều thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực nhưng số thí sinh xác nhận nhập học bằng phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này lại không nhiều. Điều này đặt ra câu hỏi, việc tổ chức một kỳ thi riêng liệu có hiệu quả, thiết thực? 

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng tôi luôn nhấn mạnh kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội  hướng tới tuyển sinh những ngành có điểm chuẩn cao và những ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao. Do vậy, chúng tôi cũng không kỳ vọng kỳ thi có tính phổ quát, bởi tính tính phổ quát cho tất cả thí sinh, cho tất cả những ngành đào tạo hiện nay đã có nhiều kỳ thi được tổ chức, đơn cử như kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức hàng năm.

Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, kết quả của kỳ thi này được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định. Thí sinh có thể thi năm nay và sử dụng kết quả để xét tuyển trong năm sau và thời gian tối thiểu là 2 năm. Đồng thời trong thời gian tới, chúng tôi cố gắng đưa bộ dữ liệu của kỳ thi năm 2023 khớp với bộ dữ liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT để phục vụ cho công tác xét tuyển và lọc ảo. Thí sinh có nhiều cơ hội và nhiều trường đại học cùng sử dụng.

VOV.


Lượt xem: 6

Trả lời