Giới thiệu nhân sự bầu bổ sung Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN

Cập nhật 25/9/2018, 06:09:18

Đại Hội công đoàn Việt Nam lần thứ 12 sáng nay (25/9) sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.

Tiếp tục chương trình Đại Hội công đoàn Việt Nam lần thứ 12, sáng nay (25/9), các đại biểu sẽ nghe báo cáo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 11; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước và thảo luận về phương hướng nhiệm vụ của hoạt động công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới.

tiep tuc chuong trinh dai hoi cong doan viet nam lan thu 12 hinh 1
Các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và BCH khóa XI bỏ phiếu giới thiệu nhân sự bổ sung để Đại hội XII bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII. Ảnh: Báo Lao động.

Trước đó, hôm qua (24/9), tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ 12 nhiệm kỳ 2018-2023. Tham dự đại hội có gần 950 đại biểu, đại diện cho hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động cả nước. Đây là sự kiện quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn.

Mở đầu, các đại biểu dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ngay sau đó đại hội đã tiến hành bầu Đoàn chủ tịch gồm 30 đồng chí và thông qua danh sách Đại hội, bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu với 100% các đại biểu tán thành.

Thay mặt Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 11 phát biểu khai mạc ngày làm việc thứ nhất, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đúc rút những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2013 – 2018; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức Công đoàn trong 5 năm tới.

Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa 11; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa mới gồm các đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, luôn đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Với tinh thần “Đổi mới – Dân chủ – Đoàn kết – Trách nhiệm”, những quyết định của Đại hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của các cấp công đoàn, của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước”.

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, chiều cùng ngày, Đại hội vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và nói chuyện với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

tiep tuc chuong trinh dai hoi cong doan viet nam lan thu 12 hinh 2
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và nói chuyện với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Ảnh: VGP.

Mở đầu buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị của đại hội, kỹ lưỡng, chu đáo, có nhiều đổi mới, trong tuyên truyền từ cơ sở. Cùng với trách nhiệm của đại biểu, sự điều hành chặt chẽ khoa học của Đoàn chủ tịch Đại hội, Thủ tướng tin tưởng Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Tại buổi gặp gỡ, các cán bộ công đoàn đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Thủ tướng Chính Phủ về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, các chính sách đào tạo nghề cho lao động nhằm hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ cách mạng 4.0; đề nghị Chính phủ có gói giải cứu 30.000 tỷ như trước đây để xây dựng nhà ở xã hội; đề xuất kiến nghị các giải pháp tăng năng suất lao động…

Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch công đoàn Công thương đề nghị, Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, kiến nghị của nhà nước trong hoạt động của tổ chức công đoàn, thông qua đó tổ chức công đoàn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, giúp duy trì sự ổn định chính trị xã hội của đất nước.

“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết tâm chỉ đạo xây dựng một cách có hiệu quả chính phủ kiến tạo nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, Đề nghị Chính phủ ưu tiên đào tạo lao động có kỹ thuật cao để nâng cao năng suất lao động, có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ có thể tạo cơ chế thuận lợi tổ chức công đoàn động viện hỗ trợ người lao động theo hướng người lao động sẽ học tập suốt đời”, ông Trần Quang Huy nói.

Trước câu hỏi về việc xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế công đoàn cho người lao động hiện nay gặp khó khăn về việc bố trí quỹ đất, trong thời gian tới Chính phủ có giải pháp nào để tháo gỡ. Thông tin thêm về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Sau hơn 2 năm chúng tôi đã hoàn thành hơn 8.000 chỗ ở cho công nhân thuê,  hoàn thành 181.000m2 nhà ở cho công nhân mua. Tuy nhiên cũng có những loại căn giá 400-500 triệu. Hiện có 41 dự án nhà ở trên địa bàn thành phố đang thi công. Đến năm 2019-2020, những dự án này hoàn thành sẽ có 3,5 triệu m2  cho các đối tượng là nhà ở xã hội”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hà Nội đã phối hợp tốt trong việc thực hiện  xây dựng nhà ở cho công nhân. Thủ tướng cho biết đã trình Quốc hội một chương trình khoảng vài nghìn tỷ có hỗ trợ lãi suất để xây nhà cho công nhân, huy động nhiều nguồn để xây nhà ở cho công nhân.

Tại buổi gặp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin về các chương trình hoạt động của chính phủ về công cuộc đổi mới và nâng cao năng suất lao động và phát triển thị trường lao động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ: “Chính phủ cũng đang phối hợp cùng Bộ Lao động và các bộ ngành liên quan để khơi thông thị trường lao động bằng cách hỗ trợ thêm thông tin về thị trường lao động, đào tạo về cán bộ, tăng cường liên thông giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước, giữa các thành phần kinh tế, tăng cường kết cấu về chuyển dịch lao động, tăng cường đào tạo  nghề”.

Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, bám sát chủ đề, với nhiều hiến kế rất có ý nghĩa. Những ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng, tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều chương trình hiệu quả, thực chất, góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động; đẩy mạnh các phòng trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, người lao động, tạo sức lan tỏa sâu rộng, đạt kết quả tốt.

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành, địa phương đã chủ động đến với công nhân lao động, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại về những vấn đề lớn mà người lao động đang thực sự bức xúc, quan tâm; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung giải quyết. Biểu dương những nỗ lực, đóng góp to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam và công nhân viên chức lao động cả nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng cho rằng: Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động trong tình hình mới, mang lại lợi ích thiết thực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, tuy nhiên, cần nhận rõ những khó khăn, thách thức: Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong khi đó, một bộ phận người dân thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần; phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, lao động. Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy vai trò người đảng viên, đoàn viên công đoàn cách mạng, tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, mang lại cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc cho người dân, trong đó có anh chị em công nhân, viên chức.

Thủ tướng mong muốn công nhân, viên chức, lao động cả nước cùng chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, cống hiến; về khát vọng vươn lên; về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực; về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong quá trình lao động và hoạt động của mình. Tất cả người lao động Việt Nam từ khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức lao động, trang bị kiến thức pháp luật xây dựng tác phong công nghiệp thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí biết trân trọng và tự hào về kết quả của công việc”.

Để tập hợp, tổ chức, vận động được đông đảo công nhân, viên chức, lao động cả nước, Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn theo đường lối của Đảng, và pháp luật của nhà nước. Vận dụng sáng tạo ở mọi  cấp bộ ngành, nhất là cấp cơ sở. Đề nghị có chương trình hành động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cùng chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Công đoàn Việt Nam, hỗ trợ công đoàn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vấn đề quản lý nhà nước của ngành và địa phương, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế công đoàn./.

Theo VOV

Lượt xem: 23

Trả lời