Điểm tựa cho người dân vùng bão khôi phục sản xuất

Cập nhật 20/6/2018, 09:06:21

Bão số 12 cuối năm 2017, người dân tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề. Đến nay, cuộc sống dần hồi sinh, sản xuất đang hồi phục.

Sau cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm ngoái, nhà cửa, ruộng vườn của người dân ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa tan hoang. Nhiều người thoát chết từ nơi sơ tán trở về thì nhà cửa đã đổ sập, tốc mái, cây cối ngã rạp. Hơn 3.000 ngôi nhà cùng hàng chục ngàn ha cây ăn quả, cây trồng của người dân bị tàn phá.

Gia đình ông Phạm Quang Viên, ở thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh bị thiệt hại nặng nề, nhà bị tốc mái, hơn 15 ha keo cũng bị đổ, phải cho không người khác khai thác để dọn vườn. Sau bão, dù thiệt hại cả tỷ đồng, ông Viên vẫn quyết định tiếp tục vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để phát triển sản xuất. Với số tiền vay 300 triệu đồng, ông dành một phần nhỏ sửa nhà, còn lại ông thuê nhân công dọn vườn, làm đất, mua giống, khôi phục sản xuất.

diem tua cho nguoi dan vung bao khoi phuc san xuat hinh 1
Bão số 12 năm 2017 gây thiệt hại nặng nề đối với người dân tỉnh Khánh Hòa.

Ông Phạm Quang Viên kỳ vọng: “Thất bại sau cơn bão vừa rồi, tàn phá như vậy buộc tôi phải tìm đến vay ngân hàng để có vốn sản xuất. May mắn là tôi đã được ngân hàng cũng tạo điều kiện. Số tiền 300 triệu đồng, tôi dành để trồng keo, tái sản xuất lại, một số để sửa chữa nhà. Khoảng 3-4 năm tới, tôi tin chắc rằng số tiền này sẽ tạo điều kiện cho đà phát triển của kinh tế gia đình rất là tốt. Lãi suất thì thấp, từ đồng tiền đó trồng ra cây keo, nuôi con bò, 1 ha thu về bình quân khoảng 70 triệu đồng/năm”.

Trong khi đó, tại huyện ven biển Vạn Ninh, bão số 12, cũng làm hàng ngàn hộ dân nuôi trồng thủy sản trắng tay, nợ nần chồng chất. Bão vừa tan, cán bộ, nhân viên của Agribank Khánh Hòa đã xuống các cơ sở làm ăn của khách hàng để thăm hỏi, nắm tình hình thiệt hại.

Đến nay, chi nhánh đã cơ cấu nợ cho 130 khách hàng với tổng số tiền 37 tỷ đồng, giúp 240 khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất với số tiền 76 tỷ đồng. Đơn vị cũng đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền khoanh nợ cho 380 khách hàng cá nhân với số nợ 103 tỷ đồng.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Agribank có lãi suất và điều kiện vay đều thuận lợi, mức vay cũng tương đối hợp lý. Đó là cơ sở, chỗ dựa để bà con ngư dân người ta bám vào. Trên địa bàn huyện Vạn Ninh thì Ngân hàng đã phủ hết. Công tác tiếp cận của Chi nhánh huyện Vạn Ninh cũng tương đối tốt, người ta tiếp xúc với bà con ngư dân, giải quyết cho vay, cán bộ tín dụng cũng rải đều. Hỗ trợ, tạo điều kiện tốt thì giúp cho bà con người ta sớm khôi phục tốt hơn”.

Sau bão số 12, Agribank Khánh Hòa là một trong những đơn vị có nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng nhất trong số gần 40 tổ chức tín dụng ở tỉnh Khánh Hòa. Toàn chi nhánh có gần 3.600 khách hàng bị thiệt do bão với dư nợ vay lên đến gần 1.500 tỷ đồng, trong đó, dư nợ vay bị thiệt hại là 550 tỷ đồng. Trong số này, chủ yếu là khách hàng cá nhân, đa số khách hàng bị thiệt hại là đối tượng ưu tiên theo Nghị định 55 của Chính phủ.

diem tua cho nguoi dan vung bao khoi phuc san xuat hinh 2
Agribank hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai.

Đến nay, Chi nhánh cũng đề nghị khoanh nợ cho 400 khách hàng với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Hiện nay, Agribank đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét các quy định hiện hành theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc miễn, giảm lãi, nhất là đối với khách hàng vay vốn sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, với tỷ lệ gần 70% dư nợ là cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn nên chi nhánh luôn tạo điều kiện giúp khách hàng nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Việc cho vay tái sản xuất đã thực hiện từ sau bão. Các Chi nhánh khảo sát, rà soát những khách hàng có nhu cầu tái sản xuất thì chúng tôi đã cho vay đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Cũng không có vướng mắc gì lớn. Tất cả những nhu cầu đáp ứng vốn của Agribank hiện hành thì chúng tôi cũng đều đã giải quyết.

Chúng tôi không có quan điểm thắt chặt. Những bà con có nhu cầu tái sản xuất trong vùng quy hoạch thì chúng tôi thực hiện theo Nghị định 55, những đối tượng thuộc diện cho vay không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần” – ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa chia sẻ./.

Theo VOV


Lượt xem: 26

Trả lời