Bạo lực học đường – Những tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần

Cập nhật 07/5/2023, 09:05:08

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ lâu nay, đã và đang gây ra những tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh bị bạo hành.

Câu chuyện đau lòng về một nữ sinh lớp 10 ở tỉnh Nghệ An tự vẫn nghi do bạo lực học đường đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội những ngày gần đây. Mới nhất là vụ 1 học sinh lớp 8 tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị đánh hội đồng ngay tại trường đã gây phẫn nộ.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, triển khai hàng loạt giải pháp, nhưng bạo lực học đường vẫn chưa thể chấm dứt mà ngày càng đa dạng hơn về hình thức. Từ thực tế này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, công tác phòng chống bạo lực học đường đang trở thành nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết hiện nay đối với ngành giáo dục – đào tạo và cả xã hội.

– “Hồi trước cấp 2 của em có 1 cái tủ, có thể bạn ấy rút cánh cửa tủ ra đánh em, hoặc là bạn lấy vợt cầu lông để đánh em, hoặc chỉ đánh, đấm đá bình thường. Nhiều lúc em còn không nhìn bạn mà bạn ấy còn đánh em, bảo là em cười đểu bạn ấy. Bạn đánh em là lớp trưởng. Trong lớp mọi người cũng chỉ ngồi nhìn vậy thôi, không làm gì cả nên em cô độc hoàn toàn suốt 4 năm cấp 2”.

Đây là những lời tâm sự của một sinh viên đại học đã từng bị bạn học bạo hành suốt 4 năm học trung học cơ sở. Nữ sinh viên này cho biết, khi bị bạn học bạo hành, em đã báo với giáo viên chủ nhiệm, với bố mẹ, nhưng sự việc đều không được giải quyết. Dù sự việc bị bạo hành diễn ra trong thời gian học trung học cơ sở, nhưng vẫn đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý đối với em.

– “Em khó có thể tin được bất kỳ ai, kể cả bố mẹ, người thân, bạn bè. Em luôn đề phòng họ, tại em luôn sợ có thể mọi người sẽ phản bội em, hoặc sự việc lại bị lặp lại. Em đi chẩn đoán thì em trầm cảm nặng với rối loạn lo âu. Thi thoảng em vẫn nhớ lại hồi cấp 2 và em vẫn ngồi khóc vào ban đêm”.

Câu chuyện của nữ sinh viên bị bạo hành này không phải là chuyện hiếm trong trường học, bởi theo số liệu thống kê mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trên toàn quốc; từ 1.600 – 1.800 vụ bạo lực học đường xảy ra mỗi năm. Thế nhưng, theo các chuyên gia, con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” do nhiều vụ việc không bị tố giác.

– “Cấp 2 thì em đã từng chứng kiến khá nhiều. Trong lớp em cũng có chia bè chia phái, cùng nhau ăn hiếp 1 bạn học sinh, nhưng cũng không quá nặng nề”.

– “Em có gặp 1 bạn, bạn ấy khá nhỏ con so với các bạn trong lớp, ít nói và không hoà nhập với mọi người. Mọi người đôi lúc trêu trọc bạn ấy, nhưng đôi lúc nhiều bạn lại nói thì bạn ấy khá là buồn”.

– “Hồi cấp 3, các bạn lớp bên cạnh có xích mích với nhau thì các bạn đã rủ nhau ra một chỗ để giải quyết vấn đề”.

Từ trước đến nay, bạo lực học đường luôn là vấn đề khiến ngành giáo dục đau đầu. Sau mỗi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, dư luận bức xúc lên tiếng, trường học và đơn vị liên quan cũng đưa ra các giải pháp để xử lý, ngăn chặn, nhưng các vụ việc vẫn liên tiếp xảy ra dưới nhiều hình thức.

Cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, hành vi bắt nạt còn được chính những học sinh, nhóm học sinh đi bắt nạt ghi hình lại, tung lên không gian mạng… khiến hậu quả của các vụ việc càng nặng nề hơn, trong đó nhiều nạn nhân không chịu đựng nổi áp lực từ các hành vi bắt nạt này đã chọn cách tự sát.

“Những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương về mặt thể chất. Bên cạnh đó, vấn đề khó nhận diện hơn là những tổn thương về mặt sức khỏe tâm thần. Nạn nhân của bắt nạt bao giờ cũng ở trong tâm trạng rất lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti, thấy mình không có giá trị, thấy bị cô lập, không được yêu thương. Những kẻ bắt nạt luôn tìm đủ mọi cách làm cho nạn nhân lo lắng, sợ hãi, không dám tiết lộ các vụ việc với người xung quanh. Do đó, nạn nhân thường có xu hướng hơi trầm cảm hoặc lo lắng”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp và ngày càng nghiêm trọng hơn bởi nhà trường, gia đình và cơ quan quản lý chưa xử lý triệt để các vụ việc đối với học sinh bị bạo hành và học sinh đi bạo hành. Như trường hợp nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An đã chọn cách kết thúc cuộc sống của mình sau một thời gian dài nghi bị bạo lực học đường. Trước khi dẫn tới cái kết đau lòng này, nữ sinh đã tâm sự với mẹ, bày tỏ sợ hãi không muốn đi học, muốn xin chuyển lớp. Người mẹ đã đến trường xin cho con chuyển lớp để tránh những hậu quả đáng tiếc, nhưng chỉ tiếc là động thái của nhà trường đã chậm.

“Quan điểm của tôi là phải có những cơ chế để mà xử lý có tính chất răn đe. Bên cạnh việc giáo dục thì phải có hình thức để trẻ em phải chịu trách nhiệm và gia đình cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là cứ nói rút kinh nghiệm. Chúng ta là không chú ý đến giải quyết hậu quả bạo lực học đường cho chính người đi bắt nạt và những người bị bắt nạt. Sự tổn thương về tâm lý kéo dài thì sẽ ảnh hưởng dẫn đến những hậu quả chúng ta không mong muốn”, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, học sinh thường ở lứa tuổi tâm sinh lý đang phát triển mạnh, trong khi nhận thức các vấn đề trong cuộc sống còn thiếu hụt nên rất cần sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội.

Thực tế cho thấy, bạo lực học đường không tự nhiên sinh ra, mà được tập nhiễm theo cơ chế học tập xã hội. Bạo lực xuất hiện trong không gian nhà trường có thể là bộc phát, nhưng cũng có thể là hậu quả của một quá trình tích tụ những xung đột, yếu tố tiêu cực cả từ phía nhà trường, gia đình và bên ngoài xã hội. Vì vậy, chỉ khi nào cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay mới có thể giúp cho môi trường học đường trở nên an toàn hơn./.


Lượt xem: 4

Trả lời