Bằng đại học sẽ không còn xếp loại học lực: Đừng để “vàng, thau lẫn lộn“

Cập nhật 11/10/2019, 08:10:42

Dự kiến trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo…

Mới đây, Bộ GD-ĐT dự kiến trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo. Liệu “vàng, thau” có lẫn lộn, khó kiểm soát chất lượng là điều dư luận nghi ngại.

Cào bằng sẽ khó kiểm soát chất lượng đào tạo…

Thực tế ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo chạy theo lợi nhuận, người học chỉ cần bằng cấp mà không coi trọng kiến thức thì xã hội cũng khó có thể coi trọng hai bằng cấp của hai hệ đào tạo (chính quy, và không chính quy) có chất lượng tương đương. Vì thế, theo các chuyên gia, nếu thực hiện quy định này sẽ khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

Anh Minh Nguyên (sống tại Hà Nội), một cựu sinh viên chia sẻ: “Tôi đã học và tốt nghiệp trường công, trường tư, bằng tốt nghiệp thì có loại giỏi, loại khá. Tôi không đồng tình việc đề xuất không ghi thông tin liên quan đến học lực, loại hình đào tạo, không đồng tình kiểu bằng cấp cào bằng.

bang dai hoc se khong con xep loai hoc luc: dung de "vang, thau lan lon" hinh 1
Dự kiến trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo (ảnh minh họa)

Tôi vẫn ủng hộ việc bằng cấp, học tập cần có đánh giá, xếp loại hẳn hoi để người học cố gắng. Còn việc coi trọng bằng cấp mà không chú trọng thực lực là do người sử dụng và người đánh giá. Mong rằng không nên để lẫn lộn vấn đề này!”.

Một phụ huynh cũng cho rằng, cùng một trường, chất lượng hệ không chính quy, đào tạo từ xa, liên thông… thấp hơn chất lượng hệ chính quy là điều không phải bàn cãi. Hệ chính quy, công tác đào tạo quy chuẩn, nghiêm túc hơn rất nhiều so với đào tạo từ xa, văn bằng 2…

Việc mua điểm, học hộ ở hệ chính quy cũng hạn chế hơn. Rồi con em mình cũng không cần thiết phải vào các trường đại học tốp cao theo kiểu cấp bằng đánh đồng như thế này.

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, việc thay đổi là phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, xét về thực tế hiện nay có rất nhiều băn khoăn. Thực trạng đào tạo và chuẩn “đầu ra” ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm và từ xa ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện tiếp nhận kiến thức… Nguyên nhân do quá trình đào tạo và khâu đánh giá khác nhau.

Theo ý kiến của một số trường dân lập, thực tế các trường vẫn cấp bằng tốt nghiệp đồng thời cả bảng điểm, quá trình học tập của sinh viên. Do đó, việc in xếp loại trên bằng là không cần thiết, nhà tuyển dụng cần thêm thông tin thì có thể xem bảng điểm. Ngược lại, ở khối công lập, nhiều lãnh đạo trường đại học cho rằng cần ghi xếp loại trên bằng vì chất lượng đào tạo giữa các trường chưa ngang bằng nhau.

… và khó cho nhà tuyển dụng

 Ông Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, là một trong những đơn vị cung cấp các ứng viên cho các doanh nghiệp cho biết: “Hiện tại chúng tôi tiếp nhận yêu cầu tuyển dụng thì thấy nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng vẫn xem ứng viên của mình tốt nghiệp trường đại học nào, loại hình đào tạo, chuyên ngành gì. Điều đầu tiên khi họ tiếp cận ứng viên là tiếp cận qua công tác phân loại hồ sơ.

Nếu bằng cấp không phân loại, chúng tôi sẽ gặp một chút rắc rối ở khâu này. Bước đầu tiên phỏng vấn, họ vẫn căn cứ vào hồ sơ của ứng viên xem văn bằng gì, còn lại xét kỹ năng thực tế kèm theo. Họ có rất nhiều cách test khác nhau để chọn được người phù hợp vào vị trí tuyển dụng”.

Theo VOV


Lượt xem: 14

Trả lời