Thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến hoàn thiện Tờ trình về: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Cập nhật 23/10/2021, 11:10:36

Hôm nay (ngày 23.10), Kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 4. Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe các Tờ trình về: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); tiếp đó các đại biểu thảo luận tại tổ đóng góp ý kiến vào các dự án luật này. Đại biểu Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chủ trì tổ thảo luận tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.

Ngay sau khi Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày các Tờ trình về: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); các đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu khách mời dự họp tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã tiến hành thảo luận, đóng góp vào 2 dự án Luật.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào Dự án Điện ảnh sửa đổi; đại biểu Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành và đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của nền điện ảnh Việt Nam. Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một trong những công cụ, kênh thông tin để công chúng không chỉ trong nước mà còn trong khu vực, thế giới, quốc tế biết đến, hiểu sâu sắc hơn lịch sử nước nhà, truyền thống, văn hóa tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam. Theo đại biểu Châu Ngọc Tuấn, dự án Luật cần quan tâm đến giới trẻ và càng đặc biệt hơn đó là trong xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc phổ biến văn hóa, điện ảnh rất đa dạng, linh hoạt, do đó, phải làm sao vai trò của Nhà nước là tạo cơ chế, tạo “sân chơi” cởi mở để điện ảnh phải đáp ứng được nhiều yêu cầu, đồng thời đáp ứng những nhu cầu cấp thiết.

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu: “Giữ được giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, phong tục, truyền thống tốt đẹp… của dân tộc, của quốc gia. Phản ánh được hơi thở hiện thực của cuộc sống. Văn hóa, nghệ thuật và điện ảnh phải thực sự hỗ trợ hội nhập và phát triển kinh tế, đằng sau câu chuyện của điện ảnh chính là câu chuyện thị trường để phát triển kinh tế – xã hội, điện ảnh và văn hóa phải là 1 kênh ngoại giao hữu hiệu để xâm nhập thị trường; Chính vì vậy, chúng ta cũng cần quan tâm, học hỏi kinh nghiệm, những thành tựu rất đáng chú ý của các nước, trước đây là Ấn Độ, và gần đây nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản,… trong việc tạo ra những ảnh hưởng có giá trị để tạo thêm giá trị gia tăng cho quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, nhất là các trào lưu tiêu dùng, không chỉ ưa thích mà còn yêu thích các sản phẩm có gắn mác “made in VietNam”

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Để phát huy hội nhập điện ảnh hiện đại, tạo dựng được những bước đi vững chắc cho Công nghiệp điện ảnh thì phải có những cơ chế đặc thù rất riêng biệt, rất văn hóa cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, dự án Luật chưa thể hiện được thật sâu sắc và cụ thể những điều này, do đó đại biểu Châu Ngọc Tuấn  đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm để có những bước đi đột phá hơn.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu: “Tôi cho rằng điện ảnh Việt Nam làm sao phải không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, thể hiện được bản sắc văn hóa, đoàn kết của các dân tộc Việt để phát huy giá trị truyền thống, nhân văn, ý nghĩa về mặt chính trị, văn hóa mà nó còn có ý nghĩa giáo dục, định hướng lâu dài đối với thế hệ trẻ. Do đó, tôi thiết nghĩ dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhưng vẫn phải đầu tư cho lĩnh vực này để đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là miền núi và Tây Nguyên được thụ hưởng đầy đủ đời sống văn hóa, tinh thần. Điện ảnh là lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và có những đặc trưng riêng về tính sáng tạo, chính vì thế, tôi vẫn cho rằng làm sao việc sửa Luật phải phù hợp với tính chất của lĩnh vực, đó là phát huy sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ chân chính, đội ngũ chuyên môn, tạo không gian đủ rộng để giới nghệ thuật điện ảnh cống hiến, sáng tạo và thực sự góp phần thể hiện, phản ánh được khát vọng phát triển, khát vọng hùng cường của đất nước ta. Về góp ý cụ thể, cá nhân tôi chỉ xin góp ý vào 2 vấn đề, đó là: Về phổ biến phim trên không gian mạng: Việc phổ biến phim trên không gian mạng là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn và thực sự cũng là tất yếu trong xu thế 4.0. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm của khá nhiều lĩnh vực khác, tôi ủng hộ quan điểm hậu kiểm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng tổ chức, cá nhân thực hiện phổ biến phim phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế  “hậu kiểm” nội dung phim để đảm bảo hiệu quả, kịp thời kết hợp với chế tài nghiêm khắc xử lý vi phạm. Đối với một số nội dung về chính trị, quốc phòng an ninh… thì cần quy định “tiền kiểm” và giao Chính phủ quy định chi tiết việc triển khai thực hiện. Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang: Tôi ủng hộ cao với quan điểm Ngân sách nhà nước phải bảo đảm là chủ lực, chi phối để phổ biến điện ảnh đến với đồng bào các dân tộc, nhất là ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang…; tuy nhiên, cũng vẫn phải lưu về tính phù hợp, khả thi đối với từng vùng, miền, địa bàn cụ thể chứ không dàn trải.

Trong phiên họp chiều nay (ngày 23.10), Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo các Bộ, ngành trình bày các báo cáo về: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn). Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đoàn Bình – Thanh Sáng


Lượt xem: 12

Trả lời