Thanh niên Đak Pơ chung tay giữ lửa văn hóa truyền thống

Cập nhật 29/4/2023, 15:04:15

Ý thức được giá trị văn hóa truyền thống cũng như trách nhiệm trong việc kế thừa, thời gian qua, thanh niên huyện Đak Pơ đã có rất nhiều hoạt động, phần việc sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa – xã hội của địa phương.

Đã thành thông lệ, vào cuối tuần, sau một ngày bận rộn với công việc đồng án, bà con làng Jun lại rủ nhau tập trung ở nhà rông của làng để xem thanh niên tập múa cồng chiêng. Hơn 10 năm nay, thanh niên làng Jun luôn tự hào vì đã xây dựng được một nguồn quỹ ổn định từ quỹ đất chung của làng, thanh niên đã cùng nhau lao động, thu hoạch nông sản để lấy tiền sinh hoạt chung. Bộ cồng chiêng đầu tiên được mua về từ đồng tiền đẫm mồ hôi của thanh niên khiến người già trong làng ưng cái bụng. Mỗi khi nghe nhà rông vang lên tiếng cồng chiêng còn vụng về của lũ trẻ, người già hào hứng đến xem và chỉ dạy thêm. Không chỉ thanh niên say chiêng, mà trẻ em cũng háo hức tập luyện. Một bộ chiêng không đủ, bộ chiêng thứ 2 tiếp tục được đưa về từ hoạt động gây quỹ của thanh niên làng. Đến nay, làng Jun đã có một đội cồng chiêng nam và đội cồng chiêng nữ với hơn 30 người, đã tham gia biểu diễn nhiều nơi trên cả nước.

Chị Đinh Thị Blõm – Làng Jun, xã Jang Bắc, huyện Đak Pơ phấn khởi cho biết: “Tôi rất tự hào vì người Banah mình có những nét văn hóa rất đẹp như cồng chiêng, múa xoang… Chúng tôi sẽ cố gắng tập, học hỏi các thế hệ đi trước, để các giá trị văn hóa này sẽ không mất đi, mà sau này chúng tôi còn có trách nhiệm truyền dạy lại cho thế hệ sau này.”

Cùng với đó, ở nhiều xã trên địa bàn huyện Đak Pơ, trước tình trạng nhà rông đang dần xuống cấp hoặc bị bê tông hóa, nhiều nhà rông truyền thống cũng dần được khôi phục bằng chính sức lực và tâm huyết của thanh niên trong làng. Nhà rông luôn là linh hồn, là sức sống của những con người Tây Nguyên. Vì vậy giữ được nguyên vẹn kiến trúc và kết cấu nhà Rông Tây Nguyên như giữ được “trái tim” của làng. Các buôn làng ở huyện Đak Pơ đã và đang có rất nhiều công trình nhà rông mang đậm dấu ấn thanh niên, trong đó có nhà rông được công nhận là công trình thanh niên tiêu biểu cấp tỉnh.

Chị Đinh Thị Lọt – Phó Bí thư Đoàn thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ tự hào nói: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, khi thanh niên có thể tự tay, chung sức làm được những công trình thanh niên như thế này. Đây không chỉ là nơi để chúng tôi sinh hoạt chung, mà còn là niềm tự hào để từ đó chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.”

Anh Phan Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Đak Pơ cho biết: “Trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Đak Pơ đã được sự quan tâm, hướng dẫn và thực hiện nhiều phần việc về gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể và vật thể như các công trình di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ, cồng chiêng, múa xoang…///Qua các năm triển khai, về cơ bản các bạn đoàn viên thanh niên đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương mình.”

Mới đây, Huyện Đoàn Đak Pơ đã ra mắt công trình “Số hóa các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện”. Việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, gắn với phát triển du lịch chính là “cây cầu” kết nối các thế hệ, giáo dục và hun đúc truyền thống cách mạng. Với rất nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa, thanh niên Đak Pơ đã và đang chung tay, góp sức, giữ cho mình và giữ cho quê hương một đời sống văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, cũng như vươn tới những giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế phát triển đi lên của xã hội, để phát triển buôn làng ngày một tươi đẹp

Trương Trang – Phi Long


Lượt xem: 6

Trả lời