Nông dân xã Ia Phìn chặt bỏ cao su vì không cho mủ

Cập nhật 19/7/2014, 10:07:13

      Hiện tại ở khu vực  xã Ia Phìn Huyện Chư Prông có  rất nhiều hộ nông dân chặt bỏ diện tích cao su từ 6-8 năm để chuyển sang trồng cây khác.

Gia đình anh Phạm Văn Mạnh- thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông có 6 ha cao su, anh trồng từ năm 2005, đến nay đã hơn 8 năm tuổi, nhưng đến kỳ thu hoạch không hiểu nguyên nhân vì sao vườn cao su của anh lại không cho mủ, hoặc có mủ nhưng rất ít, vì thế mà anh Mạnh đành phải phá bỏ bớt 3 ha để chuyển sang trồng cà phê. Lí do vì không có mủ. “Cao su này tôi đã trồng hơn 8 năm rồi nhưng khi cạo mủ thì không có nên phải chặt bỏ chứ biết làm sao. Đầu tư vào đây nhiều tiền lắm nhưng mà đành chịu thôi chứ không thể để được, bây giờ trồng lại cà phê thôi”. Anh Phạm Văn Mạnh nói.

        Cùng với gia đình anh Mạnh thì có rất nhiều hộ dân ở xã Ia Phìn cũng đã chặt bỏ diện tích cao su để chuyển sang trồng cây khác. Diện tích đất này của anh Nguyễn Văn Luyến trước đây cũng trồng cao su, nhưng đã chặt bỏ từ đầu năm và bây giờ anh đang dọn đất để trồng cà phê. Anh Nguyễn Văn Luyến xót xa nói: Ở đây nhiều người chặt bỏ lắm. cao su tôi trồng từ 2004 nhưng thu hoạch mủ rất ít, trồng chăm sóc đã tốn tiền rồi, bây giờ thuê máy múc 1 ha thế này là mất 20 triệu nhưng đành phải thế thôi, may gì trồng lại cà phê gỡ gạc lại chứ không thể để được”.

      Việc chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng đến thời điểm này thì rầm rộ hơn. Hiện tại nhiều mảnh đất trống, gốc cao su nằm ngổn ngang ngay cạnh những miệng hố vừa được san gạt và bỏ phân chuẩn bị xuống giống cà phê. Diện tích cao su chặt bỏ nằm rải rác ở thôn Bản Tân, Hoàng Tiến, Hoàng Tân, nhưng nhiều nhất là ở thôn Hoàng Yên… Được biết, xã Ia Phìn có 29 hộ trồng cao su tiểu điền với tổng diện tích hơn 110 ha. Cao su này được trồng từ năm 2004 đến 2006, hộ nhiều thì hơn 9 ha, hộ ít thì 1 ha, còn đa số hộ trồng từ 3 đến 5 ha. Hiện nay do giá cao su xuống thấp và quan trọng hơn là hầu hết diện tích cao su trên địa bàn không cho mủ, nên đa số các hộ nông dân trồng cao su tiểu điền đã chặt đi để chuyển sang trồng tiêu, trồng cà phê, chỉ một số hộ còn giữ lại trồng xen với cây cà phê. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phìn- Chư Prông cho biết::  “Qua theo dõi chúng tôi nắm được là có hơn 100 ha cao su đã chặt bỏ. Cao su này là người dân trồng tiểu điền, bây giờ người ta bỏ tiền ra rồi vay vốn mà không thu lại được thì họ phải bỏ thôi chứ xã không ngăn cản được. Nhưng xã vận động người dân những vườn cây nào cho mủ thì giữ lại chứ chặt bỏ như thế mai mốt cà phê lại rớt giá mà cao su lại lên giá thì sao’.

         Huyện Chư Prông hiện có trên 34ngàn ha cao su, trong đó các doanh nghiệp cao su chiếm hơn 31ngàn ha, còn lại là diện tích cao su tiểu điền. Hiện tại, không chỉ riêng ở xã Ia Phìn chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng cây khác mà hầu hết các xã có cao su tiểu điền đều có xảy ra hiện tượng này như Ia Pia, Ia Băng… cũng đang trong tình trạng báo động. Trước thực trạng nông dân chặt bỏ cao su, xã cũng đã có phân tích để bà con xác định lại việc có nên chặt bỏ hay không vì diện tích cao su trên địa bàn huyện chưa phải là nhiều.Chúng tôi cũng đã biết là nông dân họ chặt phá cao su để chuyển sang hầu hết là trồng cà phê và nguyên nhân thì cũng chưa rõ lắm nhưng chắc là vì cao su xuống giá thấp; cao su này là hầu hết trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp, nông dân được vay vốn. chúng tôi khuyên bà con thì không nên chặt mà giữ lại vì theo quy hoạch là diện tích cao su trên địa bàn chưa phải là nhiều. Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chưprông nói.

 Người nông dân đã đầu tư khá nhiều công sức và tiền của để đầu tư chăm sóc cây cao su, nhưng đến nay phải đành chặt phá. Trước thực trạng này các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp để giúp người nông dân có hướng đi đúng nhằm đảm bảo phát triển kinh tế gia đình./.

Ngọc Ánh, Minh TRí


Lượt xem: 62

Trả lời