Người dân chủ động phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật 18/6/2019, 08:06:46

Tại Gia Lai, để đối phó với bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hiện nay các hộ chăn nuôi cũng chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.

Mấy hôm nay, ngày nào anh Nguyễn Phùng Chín cũng đều đặn rắc vôi bột xung quanh nhà, khu vực chăn nuôi, đồng thời kết hợp với phun hóa chất để tiêu độc khử trùng. Anh Phùng còn cho biết, với tổng đàn heo gần cả trăm con, trong đó ngoài 8 heo nái, còn lại heo thịt khoảng tháng rưỡi nữa là đến lứa xuất chuồng, nếu không quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng may bệnh DTLCP xâm nhiễm thì thiệt hại kinh tế cho gia đình là rất lớn. Vì vậy, công tác vệ sinh môi trường cũng như kiểm soát mầm bệnh từ thức ăn cho đến người ra vào chuồng trại… không phải đợi đến bây giờ mới làm mà mấy tháng nay gia đình anh đã chủ động thực hiện các biện pháp để phòng ngừa bệnh xâm nhập vào đàn heo của gia đình.

Anh Nguyễn Phùng Chín- Thôn Ia Man, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai nói: “Trước thông tin DTLCP xuất hiện, nhất là ở xã Ia Kla, giáp với Ia Dơk đã có dịch nên vấn đề phòng ngừa càng không được chủ quan. Gia đình tôi đã chủ động vấn đề này vì mình làm vậy cũng là để bảo vệ tài sản của gia đình. Kinh tế gia đình trông vào đó hết, nếu thiệt hại sẽ rất khó khăn”.

Ông Trần Xuân Nghiên – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Xác định Ia Dơk là vùng uy hiếp của điểm dịch do nằm giáp ranh với xã Ia Kla đã xuất hiện ổ dịch vào 7/6.  Xã đã chủ động xuất nguồn ngân sách dự phòng 3%, chủ động mua vôi bột rắc các vùng trọng điểm, đồng thời phân phát cho các hộ chăn nuôi tập trung. Các hộ đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng dịch như mua ủng để ra vào chuồng trại chăn nuôi”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, ngoài sự chủ động của hộ chăn nuôi trong công tác vệ sinh chuồng trại, đảm bảo quy trình chăn nuôi thì điều đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác kiểm soát tình trạng mua bán thịt heo lưu động từ vùng này sang vùng khác vì thói quen mua bán di động ở địa bàn nông thôn vẫn còn khá phổ biến.

Ông Nguyễn Văn, Thôn Ia Man, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai nêu: “Nông thôn thì lâu nay vẫn có thói quen mua bán di động nên rất lo ngại heo từ vùng này sang vùng khác nếu chẳng may mang mầm bệnh dịch thì rất nguy hiểm. Vì vậy cần phải siết chặt việc mua bán, vận chuyển heo từ các vùng khác vào địa bàn”.

Hiện tổng đàn heo ở xã Ia Dơk là hơn 2.100 con, nhiều nhất huyện Đức Cơ, lại nằm trong vùng bị uy hiếp, nên nguy cơ dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn là rất cao. Do đó hơn lúc nào hết, xã Ia Dơk rất chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh này, không chủ quan lơ là để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Vì vậy cùng với sự chủ động của người dân, công tác kiểm soát quá trình vận chuyển, mua bán heo và thịt heo tại xã Ia Dơk đang thực hiện chặt chẽ hơn nữa.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 28

Trả lời