Khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4

Cập nhật 10/12/2018, 09:12:01

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 37.000 xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp với khoảng 11.000 người có nhu cầu đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4. Tuy nhiên, Sở Giao thông-Vận tải mới chỉ cấp, quản lý 132 GPLX hạng A4. Nguyên nhân là bởi công tác đào tạo, sát hạch để cấp GPLX hạng A4 đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay người điều khiển phương tiện xe công nông, xe máy kéo nhỏ phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy khó khăn nhất với nhiều người là việc tiếp cận với công nghệ thông tin. Theo quy định về Chương trình đào tạo, sát hạch lái xe hạng A4, học viên phải sát hạch lý thuyết trên máy vi tính trong khi phần lớn bà con đồng bào dân tộc thiểu số không biết sử dụng máy vi tính.

Ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái – Sở GTVT cho biết: Có những người chưa bao giờ được tiếp xúc với công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo sát hạch quá dài, quy trình sát hạch lý thuyết phải sát hạch trên máy vi tính mà đối tượng sát hạch, có những người chưa bao giờ được nhìn chứ đừng nói đến tiếp xúc với máy vi tính. Những đợt sát hạch vừa qua, có những đợt sát hạch thí sinh đạt thấp. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho người dân sợ trong đào tạo với việc sát hạch, cấp GPLX A4”.

Để giải quyết khó khăn trên, năm 2017, Sở GT-VT cùng với Công an tỉnh, Vụ An toàn giao thông (Bộ GT-VT) và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức hội thảo về công tác quản lý hoạt động máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Hội thảo đã đánh giá, làm rõ nhiều nội dung về thực trạng hoạt động, công tác quản lý xe máy kéo nhỏ, đặc biệt là những khó khăn trong công tác tổ chức thi sát hạch cấp GPLX hạng A4. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất với Bộ GT-VT nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT theo hướng giảm thời gian đào tạo lái xe hạng A4, đồng thời cho phép địa phương ban hành chương trình đào tạo riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp được sát hạch lý thuyết theo hình thức vấn đáp.Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai ngày 21-8-2018, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã có ý kiến về việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT: “Chương trình đào tạo cần theo hướng giảm thời gian đào tạo lái xe và cho phép địa phương ban hành chương trình đào tạo, sát hạch riêng cho hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp để phù hợp với tình hình thực tế. Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu, đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 14-4-2017 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ”, ông Thể nói.

Ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái – Sở GTV nói: “Phương án phù hợp là phải tính toán lại chương trình đào tạo, chương trình đào tạo đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với tình huống giao thông ở địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Về sát hạch, có thể sát hạch trên giấy chứ không sát hạch bằng máy vi tính để người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện quy trình sát hạch”.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, địa hình đồi dốc, xe máy kéo nhỏ, xe công nông là phương tiện phù hợp để vận chuyển hàng hóa nông sản. Tuy nhiên do khó khăn, bất cập trong công tác quản lý loại phương tiện này nên nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn. Vì vậy việc sớm điều chỉnh chương trình đào tạo, điều kiện sát hạch là cần thiết để việc điều khiển phương tiện được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Hồng Uyên, Đoàn Bình


Lượt xem: 308

Trả lời