Kbang thực hiện Dự án hỗ trợ Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn

Cập nhật 15/5/2015, 16:05:30

Năm xã của huyện Kbang là: Xã Đông, Nghĩa An, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng và Tơ Tung có tỷ lệ hộ nghèo bình quân 51,49%, người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số có kỹ thuật canh tác chậm cải tiến, sản xuất còn theo hướng tự phát, phân tán, bấp bênh. Chính vì thế năm xã trên đã được chọn để thực hiện Dự án hỗ trợ Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn của tỉnh Gia Lai. Với mục tiêu  hướng tới cải thiện một cách bền vững chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng đến những người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo trên địa bàn.

 

 

Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn  Kbang được triển khai   từ năm 2011  trên  cơ  sở thực hiện  3 hợp phần chính đó là : Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện chiến lược Tam Nông. Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo. Xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp xã theo định hướng thị trường.

 

Mặc dù  Dự án triển khai trên địa bàn các xã còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn. Trình độ dân trí của người dân còn hạn chế…Song trong quá trình thực hiện Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện KBang  và các Ban phát triển xã  và  các Ban phát triển thôn đã có nhiều  nỗ lực  trong việc tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức hội, đoàn thể  và các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, Hội phụ nữ… tổ chức 15 khóa tập huấn và 5 khóa hội thảo… từng bước nâng cao năng lực  quản lý của  các cán bộ cơ sở  và  trình độ nhận thức của nông dân, từ đó khai thác có  hiệu quả  các tiềm năng và lợi thế của địa phương

 

 

Ông Lương Văn Hòa, Phó phòng tài chính – Phó ban  Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện  huyện Kbang, Gia Lai cho biết: Cho đến nay, tổng dự án khoảng trên 28 tỷ đồng, đến giờ phút này thực hiện được 17 tỷ đồng trong đó có sự đóng góp của nhân dân khoảng 2 tỷ đồng phần đối ứng…Đời sông nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

 

Trong quá trình thực hiện dự án huyện Kbang  đã tăng cường tuyên truyền để các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ dân tộc thiểu số tại các xã tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản như mía, bò, mì…  Trong đó  cây mía được xác định là chuỗi giá trị  chính  để tác động phát triển.  Theo đó  cùng với  hỗ trợ giống , phân bón hàng loạt lớp tập huấn chuyển  giao kỹ thuật  trồng , chăm sóc ,   và thu hoạch  đã được tổ chức đến tận người dân .

 

 

Chị  Đinh Thị Thủy, Xã Kông Bờ la, huyện Kbang, Gia Lai chia sẻ:  Trước đây bà con khôngbiết làm mía đâu, bây giờ được đi tập huấn kỹ thuật, biết chăm sóc mía để nâng cao năng suất rồi …

 

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế  của địa phương, 5 xã  thực hiện dự án đã  thành lập được 33 nhóm chung sở thích về trồng trọt và chăn nuôi ,các nhóm này có tổ chức  sinh hoạt định kỳ để trao dổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển và ổn định kinh tế.

 

Ông Thái Văn Hưởng, Trưởng nhóm sở thích nuôi bò, thôn 10, xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai tâm sự: Lợi ích khi chưa vào nhóm và vào nhóm là có rất nhiều lợi ích, thứ nhất mình được tham gia tập huấn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật về chăn nuôi bò cũng như trồng cỏ, ủ các phế phẩm để con bò ăn vào mùa mưa, mùa nắng mùa khan hiếm cỏ. Bà con được tập huấn nhiều và được chuyển giao công nghệ tiêm phòng và phòng bệnh gia sức gia cầm, cũng như trâu bò trong nhóm.

 

Ngoài ra, Dự án còn thành lập quỹ vay vốn ở các Chi hội phụ nữ ở thôn, làng, xã. Thông qua hình thức vay vốn xoay vòng được dự án đầu tư cộng với vốn đối ứng của các thành viên trong nhóm, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, từ đó không những người dân có nguồn vốn để đầu tư sản xuất mà còn được liên kết trong việc cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với các nhóm.

 

Đồng thời, người dân còn được hướng dẫn những kỹ thuật trong việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tiếp cận và áp dụng với công nghệ khoa học tiên tiến, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo việc làm nâng cao thu nhập.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổ trưởng tổ vay vốn, thôn Tu Chrăn, xã Kông Bờ la, huyện Kbang, Gia Lai chia sẻ: Tổ vay vốn Tu Ch răn đến nay được thành lập hai năm rồi, từ năm 2013 đến 2015. Tổ tiết kiệm này đã dành cho những hộ nghèo và cận nghèo, trong năm qua đã thoát được hơn 50 phần trăm là hộ nghèo, thoát được mấy hộ từ nghèo lên cận nghèo đã nhận được vay vốn của Ifad. Thì những hộ đã có điều kiện bỏ phân đúng thời vụ, tăng thêm thu nhập cho người dân.

 

Trong thời gian qua, Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Kbang đã hỗ trợ Ban phát triển Xã Đông, Nghĩa An, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng và Tơ Tung đầu tư vào các hạng mục trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng 23 công trình cơ sở hạ tầng, trong đó làm được 9000 m đường bê tông xi măng, 2 nhà rông, 2 giếng khoan, 18 giếng đào, 21 cống thoát nước.

 

Tổng số hộ hưởng lợi trực tiếp từ công trình 1383 hộ, trong đó, hộ nghèo là 978 hộ và 1249 hộ DTTS. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương, giúp các hộ DTTS được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt; đường xá đi lại thuận lợi, dễ dàng vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản… góp phần phát triển các chuỗi giá trị ưu tiên ở địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân tham gia dự án.

 

Ông Trần Văn Sơn, Phó chủ tịch – Trưởng ban phát triển xã Kông Bờ la, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: Hòa chung huyện nhà đang xây dựng nông thôn mới, xã Kông Bờ la cũng rất vui, được dự án Ifad đầu tư trên địa bàn xã. Nhìn chung từ năm 2011 đến nay, dự án Ifad đã đem lại rất nhiều hiệu quả trên địa bàn xã nhà. Về phát triển kinh tế văn hóa xã hội, từ nguồn Ifad này đã làm được trên 1,7 km đường. ..

 

Có thể thấy  thực hiện  Dự án hỗ trợ Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn  tại  huyện Kbang, đa số người dân tại các xã dự án đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của dự án là góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức và tự vươn lên thoát nghèo thông qua việc tự nguyện tham gia vào các tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Phụ nữ, các nhóm chung sở thích tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

 

Tỷ lệ hộ hộ nghèo của các xã dự án giảm từ 51,49% năm 2011 xuống 30,66% năm 2014, thu nhập bình quân đầu người các xã dự án tăng từ 8,496 triệu đồng năm 2011 lên 16,682 triệu đồng năm 2014, đời sống văn hóa xã hội được nâng cao.

 

Đây là những tín hiệu vui đồng thời cũng là động lực để các xã đặc biệt khó khăn của huyện Kbang vươn lên thoát nghèo, hội nhập với sự phát triển chung của toàn tỉnh./.   

Thanh Vui-Ksor Tuối


Lượt xem: 64

Trả lời