Ia Pa phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nông nghiệp nông thôn

Cập nhật 26/9/2018, 08:09:52

 Cho đến thời điểm này, hơn 3.800 hộ nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Pa đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi về nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ lên tới hơn 402 tỷ đồng. Nguồn vốn này được được ví như cầu nối, không chỉ giúp người dân từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” hiện đang hoành hành tại các địa bàn vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Ia Pa.  

                     

Năm 1998, sau khi vay hơn 70 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Ia Pa, gia đình chị Ngô Thị Tâm quyết định mua hơn 10ha đất để trồng mía và mỳ. Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất Pờ Tó, đến thời điểm này, từ số tiền dành dụm, làm ăn sinh lời, gia đình chị đã đầu tư mua thêm đất và phát triển lên tới hơn 60ha. Để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, đầu năm 2017, gia đình chị quyết định vay thêm ngân hàng 2 tỷ đồng để trồng thêm mỳ, mía và điều. Theo tính toán của chị Tâm, năm nay, với giá cả nông sản khá ổn định và cao hơn so với mọi năm, nhất là cây mỳ, gia đình chị dự kiến sau khi trừ mọi chi phí đầu tư cũng thu lời khoảng 1,5 tỷ đồng.

Chị Ngô Thị Tâm – Thôn 3, xã Pờ Tó, Ia Pa nói: “Nếu mình không có tiền ngân hàng giúp đỡ thì mình cứ vay ở ngoài với lãi suất cao thì không thể phát triển như thế này được. Vừa lãi suất nhẹ lại lợi nhuận nhiều”.

Từ cơ chế thông thoáng triển khai cộng với sự tận tình hướng dẫn từ phía ngân hàng, vụ mỳ này, anh Ksor Thứ đã được vay hơn 100 triệu đồng để cải tạo đất, sau đó cùng người thân dồn điền, phát triển được 5ha trên cánh đồng mỳ lớn. Theo tính toán của anh, với việc được ngân hàng chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, 1ha mỳ khi thu hoạch sẽ cho năng suất trên 30 tấn. Sau khi trừ toàn bộ chi phí đầu tư và công thu hoạch anh cũng thu về hơn 20 triệu đồng/1ha.

Anh Ksor Thứ – Buôn Tơ Khế, xã Ia Tul, Ia Pa cũng nói: “Khi mình trồng mỳ theo kiểu mới là trồng đứng thì cây lên rất là nhanh. Sau 1 tháng thì theo hình ảnh chụp lại thì thấy ra dễ và củ rất là nhiều. Hiện tại mỳ ở đây đang bước vào tháng thứ 3 thì thấy củ đã lớn bằng cán cuốc rồi”.

Ông Phạm Văn Nhận – GĐ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa cho biết: “Hiệu quả chúng tôi nhận sẽ giảm bớt được tỷ lệ người dân lệ thuộc vào tín dụng đen vì đặc biệt những hộ dân cần khi đến ngân hàng thì ngân hàng tạo mọi điều kiện cho vay, nhất là bà con vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến giờ này chúng tôi cảm thấy rằng chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất thuận tiện để ngân hàng hoạt động”.

Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Ia Pa cho biết: Đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng đạt hơn 402 tỷ đồng với 3.800 hộ vay. Trong đó lĩnh vực đầu tư chiếm tới hơn 80% cho nông nghiệp, nông thôn và khoảng 30% tổng dư nợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.

” Chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai việc tạo mọi điều kiện vốn, nhất là thông qua các tổ chức chính trị, xã hội để chuyển tải vốn kịp thời xuống địa bàn nông thôn. Chúng tôi tiếp tục cho vay lĩnh vực mở rộng cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hóa vào, giảm chi phí trong quá trình sản xuất  và lợi nhuận mang lại cao”, Ông Nhận nói.

Với tỷ lệ nợ xấu chiếm xấp xỉ 1% phần nào cho thấy hiệu quả mang lại từ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Ia Pa. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục triển khai nhiều nguồn vốn vay phù hợp, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống…/.

Đoàn Bình, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 51

Trả lời