Hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Kbang

Cập nhật 25/11/2022, 14:11:26

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, những năm qua huyện Kbang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức cho lao động nông thôn, giúp họ lựa chọn ngành nghề phù hợp để có thể vận dụng vào thực tiễn cuộc sống sau khi kết thúc đào tạo.

Năm 2019, sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (TT GDNN – GDTX) huyện Kbang tổ chức, anh Thiều Phước Bền và vợ ở thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 hec ta đất trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng Quýt hồng và các loại cây ăn trái khác. Nhờ tiếp thu và biết áp dụng những kiến thức đã học từ lớp đào tạo vào vườn cây, nên nếu không có những rủi ro về thời tiết và các yếu tố khách quan khác, cuối năm nay vợ chồng anh dự báo sẽ có một vụ mùa bội thu.

Anh Thiều Phước Bền, Thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang cho biết:  “Tôi cũng học tại trường dạy nghề 4, 5 tháng gì đấy. Xong rồi mình bắt đầu về áp dụng và làm. Thì thấy qua trường lớp nó cũng đã đạt kết quả. Dự báo cuối năm nay khoảng được 4 đến 5 tấn, giá nếu như bây giờ thì thấy được, cũng phấn khởi”.

Cũng đã tham gia lớp học nghề sau khi xuất ngũ trở về địa phương, giờ đây anh Đinh Tùng, ở làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang đã có thể tự tay xây nên những ngôi nhà cho bà con trong làng và các địa phương lân cận thông qua đội thợ Nề mà anh cùng các đồng nghiệp thành lập sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề Nề tại TT GDNN – GDTX huyện Kbang cách đây 2 năm.

Anh Đinh Tùng, Làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang nói: “Từ khi học nghề Nề đến nay thì tôi cũng làm được nhiều công trình cho dân làng và cũng có nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình”.

Từ năm 2015 đến nay, huyện Kbang đã mở được 76 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với trên 2 ngàn học viên tham gia, trong đó có gần 1700 học viên là người dân tộc thiểu số. Trước khi triển khai mở các lớp đào tạo nghề, TT GDNN – GDTX huyện Kbang đã phố hợp với các xã, thị trấn tổ chức rà soát nhu cầu học nghề, đăng ký chỉ tiêu đào tạo nghề của lao động nông thôn trên địa bàn quản lý để mở các lớp bằng nhiều hình thức phù hợp, tổ chức đào tạo ngay tại xã, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Đồng thời Trung tâm cũng thường xuyên khảo sát điều kiện làm việc của các học viên sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo.

Bà Đinh Thị Đen, Phó Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, huyện Kbang nói: “Đầu tiên thì xã làm thông báo đến từng thôn, làng nếu thôn, làng nào có nhu cầu đào tạo cao hơn thì chúng tôi sẽ chọn thôn, làng đó để mở lớp. Hàng năm thì do nguồn kinh phí cũng hơi hạn hẹp nên chúng tôi chỉ tổ chức được 1 đến 2 lớp. Năm nay thì chúng tôi cho mở lớp tại làng Buôn Lưới với 30 học viên tham gia”.

 Ông Bùi Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Kbang  cho biết: “Sau khi khảo sát thì chúng tôi nhận thấy các ngành nghề do Trung tâm đào tạo thì phục vụ rất thiết thực cho lao động, và thu nhập của họ cũng tương đối ổn định. Đồng thời trình độ, nhận thức của họ cũng ngày càng được nâng lên, góp phần có hiệu quả cho việc thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới huyện Kbang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người dân có thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.

 Quốc Linh, Phi Long


Lượt xem: 22

Trả lời