Hàng trăm nông dân khốn đốn, lao đao vì tiêu chết hàng loạt

Cập nhật 16/11/2014, 10:11:35

Tình trạng cây tiêu chết hàng loạt, có nhiều vườn tiêu bị “xóa sổ” đã làm hàng trăm nông dân trên địa bàn huyện Chưprông hoang mang, lâm vào cảnh lao đao, nợ nần. 

 

Sự hoang man, khốn đốn, nợ nần là tâm lý và là hoàn cảnh chung của nhiều nông dân trồng tiêu ở huyện Chưprông….

Gia đình anh Nguyễn Diên Năm ở xã Ia Pia có 2 ngàn trụ tiêu. Vườn tiêu của gia đình anh đang xanh tốt bỗng thối rễ, rụng lá chết dần, nay 450 trụ tiêu đã bị chết rụi. Mặc dù gia đình anh đã làm nhiều cách theo hướng dẫn của các ngành chức năng như đổ vôi khử trùng, phun thuốc, đốt những cây tiêu đã chết để phòng dịch bệnh lây lan nhưng mọi biện pháp đều vô tác dụng. Nhiều cây tiêu của gia đình anh Năm đang tiếp tục bị chết dần.

 

Trong tâm trạng buồn rầu anh Nguyễn Diên Năm tâm sự: Gia đình cũng làm đủ cách rồi nhưng không cứu được tiêu. Tiêu chết gây thiệt hại rất lớn cho gia đình tôi.

 

Cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Chưprông với hơn 2.500 ha, đến thời điểm này hơn 80 ha tiêu trên địa bàn huyện đã bị chết. Các ngành chức năng đã xác định nguyên nhân tiêu trên địa bàn huyện Chưprông bị chết là do bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm. Bệnh chết nhanh do nấm Phythopthôra gây bệnh trên cổ rễ, phá hủy các mạch dẫn của cây, làm cây bị chết trong thời gian ngắn. Còn bệnh chết chậm do tập đoàn nấm gây ra, làm lá vàng rồi cây chết dần. Dịch bệnh lây lan, bùng phát, làm tiêu chết nhiều chủ yếu diễn ra trong mùa mưa.

      

Chi phí đầu tư trồng, chăm sóc mỗi ha tiêu từ khi trồng đến khi thu hoạch bình quân khoảng hơn 500 triệu đồng, nếu thuê đất làm thì chi phí nhiều hơn nữa. Có nhiều gia đình trên địa bàn huyện Chưprông chuyên trồng tiêu, bao tiền của, công sức, thậm chí nhiều hộ do điều kiện gia đình khó khăn nên vay vốn ngân hàng để dồn vào sản xuất tiêu, giờ vườn tiêu bị xóa sổ, gia đình “trắng tay”, chồng chất nợ nần.

 

Anh Nguyễn Mùi- nông dân huyện Chưprông bộc bạch: Gia đình tôi có 1.000 trụ tiêu, giờ đã bị chết rụi rồi, gia đình rất khó khăn, nợ nần; không có tiền để đầu tư trồng lại.

 

Trao đổi chúng tôi ông Từ Ngọc Thông- Phó Chủ tịch UBND huyện Chưprông cho biết: “Huyện cũng đã mời các nhà khoa học đến nguyên cứu, tìm biện pháp cứu tiêu chết nhưng vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu. Tiêu chết đã gây thiệt hại nặng đối với nhiều gia đình, đối với các gia đình vay vốn ngân hàng để trồng tiêu thì huyện làm việc với ngân hàng để khoanh nợ cho bà con”.

 

Những vùng “rốn” trồng tiêu ở huyện Chưprông như: IaVê, IaGa, IaTô, IaPhìn…đang trong cảnh tiêu điều. Không những thế, tình trạng tiêu chết đang có xu hướng bùng phát, lây lan trên diện rộng nhưng vẫn chưa có lời giải. Từ thực tế trên nhắc lại vấn đề cũ nhưng luôn mới đó là: nông dân không nên mở rộng diện tích cây trồng một cách ồ ạt, trong khi đó thực hiện chưa đúng qui trình kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc nên dịch bệnh dễ xảy ra, gây thiệt hại nặng, làm gia đình điêu đứng, khốn đốn./.

Hà Đức-Minh Trí


Lượt xem: 72

Trả lời