Gia Lai – Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Cập nhật 24/9/2020, 08:09:42

Tổng diện tích rừng trồng gấp 6,3 lần so với Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh. Đây là một trong những kết quả nổi bật của tỉnh Gia Lai trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Để đạt được kết quả trên, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ người dân trong việc chuyển đất rừng bị lấn chiếm sang phục vụ cho mục đích lâm nghiệp, chủ yếu là trồng rừng. Từ những chủ trương, đúng đắn và việc làm phù hợp đã tạo được chuyển biến trong nhận thức và tạo sự đồng thuận, thu hút được đông đảo người dân cùng tham gia thực hiện.

Huyện Đak Pơ là một trong những địa phương thực hiện đạt và vượt kế hoạch trồng rừng hàng năm. Giai đoạn 2017 – 2020, toàn huyện đã triển khai trồng được gần 750 ha rừng theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được kết quả này, huyện Đak Pơ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thấy được những lợi ích của việc trồng rừng; để từ đó kê khai, bàn giao những diện tích đất rừng đã lấn chiếm để trồng rừng và tích cực hưởng ứng phong trào trồng rừng.

Ông Đinh Truynh, làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ nói: “Gia đình tôi trước đây cũng đã trồng rừng và cảm thấy rất hiệu quả và khi Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho tất cả các hộ dân trong làng trồng rừng thì gia đình tôi có 9 ha đất đồi thì cũng đã trồng hết. Tôi cũng tuyên truyền và giúp đỡ bà con để bà con thấy rõ hiệu quả phát triển kinh tế từ việc trồng rừng và hiện nay tất cả bà con trong làng đều theo và trồng rừng hết diện tích đất đồi. So với cây ngắn ngày như: mía, bắp, mỳ thì thu hàng năm nhưng giá cả bấp bênh và thu ít tiền; so với trồng rừng thì 4 năm thu nhưng số tiền sẽ có hơn”.

Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: “Để thực hiện được kết quả này thì đầu tiên là công tác triển khai là phải thành lập Ban quản lý, Ban chỉ đạo và kiện toàn lại cấp cơ sở ở các xã có rừng, trồng rừng. Thứ hai là phát huy được vai trò của người có uy tín trung vùng dân tộc thiểu số; thì phải làm sao cho họ hiểu và họ làm gương để từ đó nhân rộng, thấy được hiệu quả thì người dân đồng thuận. Vấn đề quan trọng nữa là trong công tác hỗ trợ phải công khai, minh bạch, rõ ràng và đến tay người dân. Từ đó, để người dân hiểu được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được hưởng lợi từ trồng rừng”.

Theo quy định, mỗi hộ dân tham gia trồng rừng sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha đối với cây gỗ nhỏ và 10 triệu đồng/ha đối với trồng cây gỗ lớn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí phân bổ từ Chính phủ hạn chế, do đó, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã xuất ngân sách tạm ứng với số tiền trên 65 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân tham gia trồng, chăm sóc rừng theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nên đã khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng.

Anh Ngô Văn Trường, xã Đê Ar, huyện Mang Yang cũng nói: “Trước đây tôi cũng trồng nhiều cây ngắn ngày, như khoai, sắn, đậu nhưng không được năng suất, hiệu quả. Nay được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng thì tôi có hơn 4 ha đất thì cũng đã trồng cây keo. Và chúng tôi cũng hy vọng nhờ trồng rừng đây và được Nhà nước hỗ trợ thì sẽ có cuộc sống ổn định và phát triển hơn”.

Theo thống kê, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Gia Lai đã triển khai trồng mới được gần 25.300 ha rừng, gấp 6,3 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra. Qua đó, đã góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng đạt 46,7%. Hiện nay, ngành chuyên môn cũng đang triển khai các biện pháp tham mưu cho tỉnh đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 40.000 ha rừng trong giai đoạn 2020 – 2025 để nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75% và phát triển ngành Lâm nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế cho người dân và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Để thực hiện được việc này thì chúng ta phải xác định rõ và làm tốt công tác quy hoạch để sau này chúng ta kêu gọi doanh nghiệp; và đặc biệt là chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh thành lập Hiệp hội gỗ và lâm sản của Gia Lai để trên cơ sở có cơ quan quản lý Nhà nước, có các doanh nghiệp trồng rừng, có các doanh nghiệp kinh doanh chế biến xuất khẩu gỗ rừng trồng để tham gia và khôi phục ngành gỗ của Gia Lai để chúng ta khai thác tiềm năng lợi thế về lâm nghiệp. thứ hai nữa là làm tốt công tác trồng rừng đạt chứng chỉ FSC mà quốc tế công nhận để sau này cúng ta trồng rừng và có chứng chỉ FSC để chúng ta gia nhập được thị trường gỗ của thế giới”.

Trồng rừng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng tỷ lệ che phủ rừng; việc trồng rừng đem lại rất nhiều lợi ích khi vừa phát triển kinh tế cho người dân lại góp phần quan trọng bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu và hạn chế các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính vì thế mà cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục hưởng ứng phong trào trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và cải thiện, nâng cao đời sống./.

 Đức Hải , R’Piên, Huy Toàn


Lượt xem: 207

Trả lời