Đồng chí Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai

Cập nhật 28/8/2014, 14:08:40

Sau khi đi thực tế và làm việc tại 2 huyện Chư Prông và Đăk Đoa, ngày 28/8, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về thực hiện các chính sách dân tộc; chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết dân di cư tự do ở địa phương… Tham dự buổi làm việc có đồng chí Hà Sơn Nhin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đào Xuân Liên, Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

 

Tỉnh Gia Lai có 34 dân tộc anh em sinh sống, dân số gần 1,4 triệu người, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 45%. Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện có hiệu quả. Thông qua các chương trình định canh, định cư; chương trình 135; 167; chương trình trợ giá, trợ cước; chính sách cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102… đã góp phần giúp các địa phương trong tỉnh đảm bảo giữ vững và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội…

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Gia Lai có 5 xã hoàn thành 19/19 bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày một khang trang hơn. Năm 2014, tỉnh Gia Lai phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2015 sẽ có 45 xã điểm hoàn thành 19/19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới…

Về tình hình dân di cư tự do, theo kết quả rà soát, từ năm 2005 đến cuối năm 2013, có hơn 3.200 hộ, gần 11.600 khẩu di dân tự do đến tỉnh Gia Lai. Từ các nguồn vốn đầu tư, tỉnh đã bố trí, sắp xếp vào vùng quy hoạch, giao đất ở, đất sản xuất cho hơn 900 hộ, tuy nhiên, vẫn còn gần 2.300 hộ, chủ yếu sống xen ghép tại các thôn, làng cần được bố trí ổn định…

Trên cơ sở kết quả báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện các chính sách dân tộc; chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết dân di cư tự do, các ý kiến của đại biểu trình bày tại hội nghị cho rằng: Các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thời gian qua đã mang đến sự đổi thay căn bản cho các buôn, làng đặc biệt khó khăn của tỉnh, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định đời sống, phát triển sản xuất… Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân từ những bất cập trong chính sách và tổ chức thực hiện chính sách; một số chương trình, dự án nguồn vốn đầu tư ít dẫn đến quy mô công trình nhỏ, lẻ, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao. Về phía chủ thể, một số nơi người dân không biết cách tổ chức sản xuất, còn trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội biểu dương những thành tựu mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong phát triển kinh tế, cũng như trong công tác chăm lo  đời sống đồng bào DTTS. Từ những đánh giá tổng thể, khách quan, thời gian tới, đồng chí lưu ý địa phương, trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc –  Đối với công tác ổn định dân di cư tự do cần có giải pháp phù hợp trên cơ sở pháp luật hiện hành… Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch làm sao vừa có sự đột phá nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của vùng đồng bào DTTS… Có như vậy, những chính sách, chương trình, dự án thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, với địa bàn dân tộc mới thực sự đi vào cuộc sống…

 

Phát biểu về vấn đề dân di cư tự do Đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: “Vấn đề dân di cư tự do đã có quy định cụ thể, các đồng chí cứ bám vào đó để thực hiện. Quan điểm của chúng ta là không kỳ thị, phân biện dân tộc, vùng miền trong xử sự đối với đồng bào. Trong xây dựng nông thôn mới, đối với vùng đồng bào DTTS là nơi có điều kiện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn những vùng khác. Các đồng chí cần định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa ở những vùng này, giúp đồng bào áp dụng KHKT vào sản xuất, vì tiềm năng của tỉnh ta còn rất lớn và cần giúp bà con biết cách tổ chức sản xuất…”.

Như vậy, đến nay, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai. Sau khi hoàn tất chương trình làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng chí Ksor Phước sẽ tổng hợp các ý kiến của các địa phương, sau đó làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nguyên trước khi trình Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới…/. 

Song Nguyễn-Phan Nguyên


Lượt xem: 96

Trả lời