Đất Bằng – Điểm sáng trong phong trào phụ nữ tiết kiệm

Cập nhật 28/11/2022, 07:11:30

Nhiều năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến10 triệu đồng”. Đặc biệt tại huyện Krông Pa, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số và nhân rộng. Từ phong trào, chị em phụ nữ hiểu hơn về khái niệm “tiết kiệm” và xem đây như một cách hiệu quả để phát triển đời sống của gia đình.

Năm 2017, sau một lần đi tập huấn, nhận thấy mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến10 triệu đồng” rất hay và hoàn toàn phù hợp với tình hình ở địa phương, bà Rcom H’Loat – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đất Bằng đã mạnh dạn đề xuất Hội LHPN huyện chọn Đất Bằng thực hiện mô hình thí điểm. Với 100% dân số là ĐBDTTS, trước đây, các chị em làm được bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu. Vậy nên quanh năm làm quần quật mà vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, mỗi ngày đi làm, đi chợ về có dăm ba ngàn chị em đều bỏ vào heo đất. Cứ kiên trì tiết kiệm như vậy, nên khi đập heo đất tiết kiệm, có gia đình để dành được tới gần 30 triệu đồng. Số tiền đó để xây sửa nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước, nhiều hội viên phụ nữ đã có tiền để đầu tư nuôi bò, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Bà Rcom H’Loat – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đất Bằng cho biết: “Ban đầu thì rất là khó khăn, lúc đầu chỉ tiết kiệm 300-500 đồng, tại một số chị em rất là bỡ ngỡ, chưa biết cách tiết kiệm. Sau 01 năm triển khai, thì một số thành viên đã rất là hiểu  tiết kiệm trong chi tiêu nấu cơm hàng ngày, sinh hoạt điện nước nè, trong ma chay cưới hỏi . Khi mà nhận thức ra được như vậy thì chị em rất là nhiệt tình tham gia.  Ban đầu chỉ có 1 tổ với 16 thành viên. Bây giờ xã đã thành lập được 6 tổ tiết kiệm với hơn 120 thành viên”.

Từ thành công của xã Đất Bằng, hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Pa đã nhân rộng và duy trì được 21 mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng”, “Câu lạc bộ Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” với gần 900 thành viên. Hằng năm số tiền tiết kiệm được chị em nâng chỉ tiêu cao dần. Bởi thành công lớn nhất của việc xây dựng mô là sự chuyển biến trong nhận thức của chị em đồng bào dân tộc thiểu số về khái niệm “tiết kiệm”

Bà Rơ Ô Lễ – Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Nhiều hộ gia đình đã biết cách tiết kiệm. Trước đây, họ cứ nghĩ sau vụ thu hoạch, bán bò để dành lại tiền là tiết kiệm,  chứ không biết là tiết kiệm hàng ngày, hàng tuần . Sau khi mà hiểu, chị em cũng biết đặt ra mục tiêu như trong năm là muốn mua sắm, đầu tư gì đó là xác định từ đâu năm, và có kế hoạch tiết kiệm dần bằng nhiều hình thức tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc, rồi biết trồng rau, trồng cây ăn trái, cải thiện bữa ăn, giảm chi phí mua sắm. Thông qua đó, nhiều hộ giảm đi vấn đề đi vay ở ngoài, nhất là hạn chế được nạn “tín dụng đen”.

Từ mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến10 triệu đồng”, các cấp Hội phụ nữ huyện Krông Pa còn mở rộng phong trào tiết kiệm với nhiều hình thức khác nhau như: “Phụ nữ với hũ gạo tiết kiệm của Bác”, “Nuôi heo đất” …. Nhờ đó, chị em ĐBDTTS tại Krông Pa đã có thêm nhiều nguồn vốn để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống. Quan trọng hơn, qua đó đã hình thành thói quen tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, biết cách sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vào trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo.

Trương Trang, Duy Linh


Lượt xem: 14

Trả lời