Đak Đoa nỗ lực bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:25

Xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển kinh tế tế xã hội, du lịch và góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững, những năm qua, huyện Đak Đoa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc .

Huyện Đak Đoa có trên 57% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Bahnar và Jrai. Việc hội tụ đa dân tộc đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa, mang đậm những nét đặc trưng của các dân tộc, tạo nên văn hóa đa sắc màu. Những năm qua, huyện Đak Đoa đã huy động sức mạnh của toàn xã hội để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa phương gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Huyện đã đầu tư nguồn lực để gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số; tổ chức các đêm dạ hội cồng chiêng, Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số, nhằm tuyển chọn và thành lập các đội nghệ nhân đi tham gia các sự kiện lớn của tỉnh như: Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Liên hoan cồng chiêng tỉnh Gia Lai, Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Gia Lai…Đến nay huyện Đak Đoa còn lưu giữ được 106 bộ cồng chiêng và duy trì hoạt động của 79 đội cồng chiêng; 2 nghệ nhân chỉnh chiêng; 2 nghệ nhân làm chiêng tre, 10 nghệ nhân làm nhạc cụ truyền thống, 7 nghệ nhân tạc tượng, 18 nghệ nhân kể sử thi; trên 300 nghệ nhân hát dân ca, dân vũ. Từ năm 2012 đến nay, huyện Đak Đoa đã mở được 9 lớp dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho trên 445 học viên. Đồng thời tìm kiếm, sưu tầm hiện vật văn hoá, phục dựng các lễ hội mang bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc như: Lễ mừng lúa mới của người Bahnar, Lễ cúng giọt nước của người Jrai, Lễ bỏ mả… Sau khi phục dựng, các lễ hội này được đồng bào duy trì tổ chức hàng năm ở cộng đồng dân cư.

Già làng Nhêp – Làng Tul Đoa, xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Lễ mừng lúa mới là có từ ông cha thời xưa, đồng bào tiếp tục củng cố lại giữ lại truyền thống này và cúng hàng năm, cúng là để xin ông trời giúp ban hộ được mưa nắng thuận hòa cho tốt để bà con sản xuất và tuyên truyền lại cho con cháu sau này và hướng về quê hương Bok Wừu nữa là tiếp tục đi theo hướng Bok Wừu để giáo dục con cháu”.

Bên cạnh các loại hình văn hoá nghệ thuật, các loại hình văn hoá lịch sử, di tích lịch sử cũng được huyện Đak Đoa quan tâm trùng tu, tôn tạo, thu hút du khách đến tham quan. Đặc biệt, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Anh hùng Wừu thuộc xã Đak Sơmei là nơi trưng bày, giới thiệu truyền thống vẻ vang của huyện Đak Đoa; là điểm sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ của huyện Đak Đoa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Huyện cũng đã khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm cối gỗ, làm men rượu… nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống của các dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa cho biết: “Chúng tôi cũng đã xác định là cần phải chọn lọc và phát huy những tinh túy để rồi từ đó kết hợp từ cái nền tảng tiếp tục phát huy được các giá trị văn hóa, trên cơ sở đó để xây dựng nền tảng để phát triển du lịch, mà muốn phát triển được du lịch thì phải khai thác được các giá trị tốt đẹp của văn hóa, các tinh hóa văn hóa để mà thu hút được du khách đến tham quan, khám phá cũng như là tạo được cái tiền đề đề để phát triển đi lên”.

Trên cơ sở tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ của văn hoá nhân loại, hiện nay, huyện Đak Đoa đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, trong đó đẩy mạnh công tác thống kê, kiểm kê, sưu tầm, gìn giữ và phát triển các lễ hội, những phong tục tập quán tốt đẹp, các trò chơi dân gian đặc sắc, các ngành nghề truyền truyền thống; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng để cùng gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng quê hương Đak Đoa ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Ngọc Định – Hồng Viên – Phương An – Quốc Toản


Lượt xem: 8

Trả lời