CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968 – KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ

Cập nhật 19/1/2023, 19:01:18

Vào đêm giao thừa cách đây 55 năm (Tết Mậu Thân 1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân nhiều tỉnh, thành miền Nam đã đồng loạt tiến công đánh địch, thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao; tạo bước ngoặt lịch sử để dân tộc ta tiếp tục giành những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, vang vọng khúc ca khải hoàn: Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, cả dân tộc càng trân trọng những thành quả và giá trị quý báu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968-Khúc tráng ca bất tử

Thời khắc lịch sử đã điểm, đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra đồng loạt ở khắp các tỉnh và thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam; trọng điểm là đánh vào các cơ quan đầu não, các sào huyệt quan trọng, hiểm yếu nhất của địch ở Sài Gòn – Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức… Gián những đòn bất ngờ, chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân. Là sự kiện lịch sử tiêu biểu trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại, diễn ra khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thể hiện sự lãnh đạo sáng tạo và tài tình của Đảng; đã làm tiêu hao lực lượng quan trọng, phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của địch trên quy mô toàn miền Nam, tạo bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh; làm đảo lộn chiến lược chiến tranh vàlàm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ; tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi hoàn toàn. Không còn sự lựa chọn nào khác, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris và không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là bản trường ca bất tử, đã tạo động lực và niềm tin tất thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và để lại nhiều bài học quý giá để vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khí thế trong Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Lai

Cách đây tròn 55 năm – Tết Mậu Thân 1968, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cùng với nhiều tỉnh, thành miền Nam, với tinh thần anh dũng, kiên cường, tại nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai, quân và dân đồng loạt tiến công nhằm phá ách kìm kẹp của địch, mở rộng địa bàn ta làm chủ, góp phần làm đảo lộn chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ; mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai, nguyên cán bộ chính trị cơ sở thuộc Đội Biệt động thành (Khu 9-nay là TP. Pleiku) và ông Phạm Văn Tuyên-nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công 90 thuộc Khu 9 là hai trong rất nhiều chiến sĩ cách mạng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Từng góc đường, từ ngõ hẽm, từng địa danh khi đó với những trận chiến ác liệt nay ông Trần Chínvà ông Phạm Văn Tuyên vẫn còn nhớ như in.

Đúng vào 0 giờ 55 phút mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công và nổi dậy tại nhiều địa phương trên địa bàn Gia Lai bắt đầu. Tại Pleiku, lực lượng vũ trang, nòng cốt là Tiểu đoàn Đặc công 408 và Đại đội Đặc công 90, Đại đội 21, Tiểu đoàn Bộ binh 15, Đại đội 231, Công an tỉnh, Bộ đội địa phương… đồng loạt tiến công vào các mục tiêu trọng yếu của địch tại trung tâm thị xã Pleiku như: Sân bay Area, cơ quan Quân đoàn 2 Ngụy, Khu Biệt động quân,Bộ Chỉ huy tiền phương Bảo An, Tiểu khu Pleiku, Khu Cảnh sát vùng II, Tòa Hành chính tỉnh, Căn cứ 37 Pháo binh… Cuộc tiến công bất ngờ, thần tốc, táo bạo đã làm địch nhiều tổn thất, hoang man. Cùng với tấn công quân sự, các cuộc đấu tranh chính trị cũng diễn ra rộng khắp, hừng hực khí thế trên địa bàn tỉnh. Hàng vạn quần chúng ở các địa phương mang theo băng rôn, khẩu hiệu tiến vào thị xã Pleiku ủng hộ kháng chiến.

Đặc biệt, trận đánh diễn ra sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 tại khu vực trường Nam Tiểu học (nay là Trường THPT Chuyên Hùng Vương), Đại đội Bảo an (nay là Nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh) giữa Đại đội Đặc công 90 của ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Đại đội Đặc công 90 kiên cường bám trụ tại 2 lô cốt ở ngã 3 đường Hùng Vương-Lê Lai đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Bất ngờ, cau có, địch huy động xe tăng bọc thép, trực thăng, đạn pháo bắn xối xả, 40/47 chiến sĩ Đại hội Đặc công 90 tham gia chiến đấu trận này đã anh dũng hy sinh khi quyết tâm tấn công để chiếm giữ các vị trí, đặc biệt là đã giải phóng gần 2000 chiến sĩ và đồng bào tabị địch giam cầm tại Nhà lao Pleiku.

Ông Phạm Văn Tuyên-Nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công 90 (Khu 9-nay là TP. Pleiku) nói: “Lúc đó rất ác liệt. Địch huy động xe tăng, máy bay, pháo đánh phá, tấn công liên tục. Đại đội Đặc công 90 khi đó chỉ có B40 nhưng liên tục tấn công địch. Anh em lúc đó vừa đói, vừa khát, vừa mệt nhưng quyết tâm không khuất phục địch, không để địch bắt mình nên tấn công đánh địch liên tục”…

Mỗi lần về thăm lại chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Xuân – Nguyên Trung đội trưởng, Đại đội Đặc công 90 đang sinh sống tại tỉnh Hà Nam luôn bùi ngùi xúc động. Niềm hạnh phúc khi đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đơn vị (Đại đội Đặc công 90) xen lẫn với nỗi tiếc thương khôn nguôi nhiều đồng chí, đồng đội từng kề vai sát cánh với mình chiến đấu đã anh dũng hy sinh trong nhiều trận đánh, đặc biệt là trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968.

Ông Nguyễn Văn Xuân – Nguyên Trung đội trưởng, Đại đội Đặc công 90 (Khu 9, nay là TP. Pleiku) cho biết: “Vui thì nói là nhiều những buồn cũng vẫn nhiều, nhiều hơn là vui vì đồng đội của mình không được chứng kiến vinh dự mà Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Mình còn lại thấy cảm động, xúc động nó trào dâng. Bây giờ các đồng chí ấy cũng rất vinh dư, thanh thản ra đi của mình, cầu mong cho các đồng chí an giấc ngàn thu”.

Hy sinh, mất mát nhiều, nhưng thắng lợi trong cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh tại Gia Lai trong Tết Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng vào việc đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.

Mãi ghi công sự hy sinh cho Tổ quốc của những người con ưu tú của dân tộc

 Nhà lao Pleiku là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng của ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản và sự kiên trung với cách mạng, góp phần lan toả các phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nói riêng,tại Nhà lao Pleiku ngọn lửa đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng không bao giờ lụi tắt. 46 tù chính trị tại Nhà lao Pleiku đã anh dũng hy sinh khi vượt ngục để hoạt động chiến đấu đánh địch ở bên ngoài trong Tết Mậu Thân 1968 là biểu tượng sáng ngời về tinh thần chiến đấu bất khuất, lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Địch có thể giam cầm, tra tấn dã man thân xác không không thể khuất phục được tinh thần của những người cộng sản kiên trungvề lòng yêu nước, tất cả vì nền độc lập tự do của dân tộc.“Lửa thử vàng, gian nan luyện chí anh hùng”.

Ông Trần Chín – Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai

Chúng tôi bị giam cầm ở Nhà lao Pleiku này, bị địch dùng nhiều hình thức tra tấn rất dã man, chúng buộc phải khai báo, đầu hàng. Nhưng những người tù chính trị đã kiên trung bất khuất rồi nên không hề khai báo, không tiết lộ bí mật cách mạng, thà chết; chỉ với một lời khai thôi, chứ nếu khai trước, rồi khai sau, lời khai trước mâu thuẫn với lời khai sau thì địch tra tấn cũng đến chết thôi. Chúng tôi luôn kiên trung bất khuất với Đảng và nhờ niềm tin tất thắng của cách mạng nên chúng tôi luôn giữ vững sự kiên trung bất khuất với Đảng, chờ đến ngày ra tù trở về với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 biểu thị tinh thần yêu nước, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng quả cảm, khát vọng độc lập tự do, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bao thế hệ người con ưu tú của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Đền Tuởng niệm mộ liệt sỹ Hội Phú (trên địa bàn phường Hội Phú, TP. Pleiku)là nơi yên nghỉ của hơn 200 liệt sỹ thuộc các đơn vị bộ đội, công an và cán bộ chính trị của tỉnh và của thành phố Pleiku đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Pleiku.

Tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, quê hương, sự hy sinh cao cả của các anh hùng Liệt sỹ, của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã tạo nên một tượng đài bất tử, vang danh non sông, đất nước ngàn năm.

Ông Phạm Văn Tuyên – Nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công 90 (Khu 9-nay là TP. Pleiku) cho biết: “Đến thăm nơi yên nghỉ của các đồng chí hy sinh trong Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi những người còn sống rất biết ơn đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc; hy sinh cho Tổ quốc”.

Ông  Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Pleiku triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Thành phố cùng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã xây dựng Đền Tưởng niệm Hội Phú, đồng thời tổ chức các hoạt động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyên thống cách mạng của dân tộc, của thành phố”.

Đã 55 năm trôi qua nhưng chiến công vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn sáng ngời trong những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược, góp phần đi đến thắng lợi vĩ đại: Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Tổ quốc, nhân dân ta mãi mãi khắc ghi công lao và sự hy sinh to lớn của biết bao người con ưu tú của dân tộc để đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”; để mỗi mùa Xuân mới và Tết cổ truyền của dân tộc đến khúc ca khải hoàn đổi mới càng ngân vang, rạng ngời khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng!

Hà Đức, R’Piên, Phi Long

 


Lượt xem: 21

Trả lời