Bác sĩ Trần Kế Toán tận tụy vì bệnh nhân

Cập nhật 27/2/2023, 07:02:55

Với phương châm: Có tuổi trẻ, có sức khỏe và lòng nhiệt huyết thì ở đâu bác sĩ cũng có thể cống hiến hết mình, mang lại niềm vui cho người bệnh. Đó là tâm niệm của Bác sĩ Trần Kế Toán hiện đang công tác tại Khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), THGL xin giới thiệu câu chuyện về người thầy thuốc tận tâm, yêu nghề luôn vì bệnh nhân như một lời tri ân gửi đến đội ngũ y, bác sỹ đã và đang cống hiến hết sức mình vì sức khỏe của Nhân dân.

Ông Phạm Văn Ngữ ở Thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku vừa được thay stent mạch vành tại Khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cách nay 2 tháng. Sức khỏe phục hồi tốt, trong khi chi phí chỉ bằng 1/10 so với những lần trước đây ông phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. Hồ Chí Minh để điều trị. Ông Ngữ chia sẻ: “Tôi bị bệnh tim mạch vành cách đây 10 năm, nhưng mà đi Sài Gòn làm xong khoảng 2 năm sau bị nhánh 2 hẹp tiếp phải vào Sài Gòn tiếp, 3 năm sau vào làm cái thứ 3, đến cái thứ 4 ở bệnh viện tỉnh Gia Lai có đặt máy mạch vành, bác sĩ họ làm cho tôi, tôi về tôi thấy sức khỏe bình thường như ở BV Chợ Rẫy thôi chứ không có gì hết. Nhưng mà được cái là chi phí tiền bạc rất nhẹ”.

Ông Phạm Văn Ngữ là một trong số rất nhiều bệnh nhân được điều trị thành công tại Khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đây là một khoa mới đi vào hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn về nhân lực, về  thiết bị để khoa vận hành một cách trơn tru. Tuy nhiên nhờ có con thuyền chèo lái giỏi và đầy nhiệt huyết như bác sĩ Trần Kế Toán đã đưa đội ngũ y bác sĩ của khoa Tim mạch ngày càng hăng say với công việc chuyên môn, mang lại nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hậu, Khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Bác Toán là người rất tận tâm với nghề, nhất là bệnh nhân nặng, bác thường xuyên đốc thúc anh em phải tìm cho ra bệnh và phải có hướng giải quyết cụ thể. Đối với bệnh nhân nghèo bác rất là tạo điều kiện như liên hệ hội chẩn, xin giúp đỡ từ thiện cứu trường hợp bệnh hiểm nghèo nhưng điều kiện kinh tế không có”.

BS CKII Phạm Bá Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nhận xét: “Các kĩ thuật về bệnh tim bác sĩ Toán đã làm chủ được nhiều ca tại bệnh viện của bạn, ngay tại bệnh viện Gia Lai đã làm được 5 ca dưới sự chỉ đạo của tuyến trên. Thời gian qua BS Toán không ngừng nỗ lực phấn đấu, là một trưởng khoa năng nổ, nhiệt tình đầy nhiệt huyết. Vừa là trưởng khoa vừa là người đam mê công trình khoa học và đã có nhiều công trình khoa học đóng góp cho diễn đàn khoa học ở khu vực ở Singapo, Trung Quốc, Hàn Quốc. Nói chung bác sĩ Toán vừa có đức vừa có tài và là bác sĩ hàng đầu về tim mạch ở tỉnh ta”.

Với những cống hiến cho sự nghiệp y khoa của tỉnh nhà, suốt trong nhiều năm liền, bác sĩ Trần Kế Toán đều đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh từ năm 2005 đến năm 2021; nhận Bằng Khen của Tỉnh ủy Gia Lai, Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những thành  tích đáng tự hào ấy tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và cống hiến cho ngành y của một bác sĩ tài năng.

BS CKII Trần Kế Toán, Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Tôi ra trường năm 1993 tại Đại học Y Thái Bình, hồi đấy bác sĩ kiếm việc làm cũng khó khăn lắm. Với xu thế là đi kiếm việc, tôi luôn có suy nghĩ là mình có sức khỏe, mình có tuổi trẻ và mình được học thì chẳng lẽ mình không có cuộc sống hay sao. Thực ra Gia Lai không phải là quê hương nhưng khi về đến đây tôi cảm thấy cuộc sống, khí hậu, con người hiền hòa, mảnh đất đẹp thì tại sao mình không gắn bó. Còn thực ra nói về vật chất bác sĩ không nên nặng nề về vật chất quá, tất nhiên cũng không nên nghèo quá, không nên vì đồng tiền quá. Biết cân bằng cuộc sống quan trọng hơn”.

Mang nhiều ấp ủ với ngành mình đã chọn, bác sĩ Trần Kế Toán không chỉ dừng lại và tự mãn với những điều đã làm được, mà ông còn dự định triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới trong thời gian tới như: Đo huyết áp động mạch xâm lấn, điện tâm đồ gắng sức, đặt máy tạo nhịp tạm thời bằng điện cực trong buồng tim, đặc biệt là việc đưa hệ thống chụp mạch vào hoạt động là cơ sở để triển khai hàng loạt kỹ thuật tim mạch can thiệp, mang lại  nhiều cứu sống bệnh nhân liên quan đến tim mạch./.

Lệ Xuân, Phi Long


Lượt xem: 14

Trả lời