Ảnh hưởng của Quyết định 861 đến chính sách BHYT tại Gia Lai

Cập nhật 23/10/2021, 17:10:22

Căn cứ Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 271.000 người không còn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT, trong đó, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Điều này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh trong năm 2021.

Xã Ia O, huyện Ia Grai trước đây là xã vùng 2, người đồng bào DTTS tại đây được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua thẻ BHYT. Tuy nhiên theo QĐ 861, xã Ia O hiện nay thuộc xã vùng 1,  chính sách ưu tiên này sẽ không còn nữa. Đây là khó khăn cho  nhiều hộ gia đình.

Chị Ksor Đuối, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai sinh sống chủ yếu bằng công việc đi làm thuê. Khi không còn được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT, bản thân chị rất lo lắng. Bởi hai vợ chồng chị  phải bỏ ra số tiền hơn 1,4 triệu đồng mỗi năm mới có thể tiếp tục tham gia BHYT. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 diến biến phức tạp, thu nhập của gia đình chị giảm sút đáng kể. Theo đó việc trang trải cuộc sống đã là áp lực không nhỏ, chưa thể tính tới việc mua bảo hiểm. Chị Ksor Đuối nói: “Nếu sau này con cái bệnh tật đau ốm lên viện người ta bắt đóng tiền thì lên viện không có thẻ bảo hiểm thì mình cũng phải chịu thôi, về nhà vay tiền người ta để mua, sau này làm được bao nhiêu trả nợ bấy nhiêu”.

Không chỉ riêng gia đình chị Ksor Đuối gặp khó khăn trong việc tiếp tục tham gia BHYT mà còn rất nhiều người  dân gặp phải tình trạng như chị. Hiện nay, chính quyền địa phương tại các xã bị ảnh hưởng bởi QĐ 861 đã có những phương án như kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ hay rà soát số người không được thụ hưởng chính sách BHYT theo QĐ861 nhưng thuộc nhóm đối tượng khác được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT như người nghèo, cận nghèo , học sinh …để lập danh sách cấp lại thẻ BHYT theo quy định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả vận động người dân tham gia BHYT.

Thầy giáo Phí Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa -Gia Lai cũng cho biết: “Khi có quyết định 861 thì trường đang là xã vùng 2 học sinh đồng bào DTTS được nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT, nhưng hiện nay xã là vùng 1 nên tất cả các em học sinh đều không được hưởng chế độ này nữa. Nhà trường có 172 em thuộc diện nay, bây giờ phải nộp 1 số tiền 70% kinh phí mua thẻ BHYT, thì với tình hình hiện tại thì rất là khó khăn”.

Ông Siu Piu – Làng Sô Ma Lơng B, xã Chroh Ponan, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Tôi cũng là người có tuổi ở thôn này và đồng thời là người uy tín của tỉnh. Theo tôi tìm hiểu kiểm tra thì mặc dù vùng này vùng 2 những còn nhiều người gia đình khó khăn, còn nghèo. Tôi đề nghị nhà nước phải giúp các gia đình khó khăn. Đối với người có khả năng mua là mua được, bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Còn đối với người nghèo thì đề nghị ủy ban xã, huyện nên phân biệt kiểm tra lại đối các gia đình khó khăn “.

Thực tế, tại nhiều vùng của tỉnh Gia Lai, nhiều hộ đồng bào DTTS vẫn phải chật vật để lo cái ăn hàng ngày, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, vì vậy, khi không còn được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT , nếu bị đau ốm thì chi phí khám chữa bệnh sẽ là gánh nặng đối với không ít người dân.

Việc thực hiện các chính sách, quyết định của chính phủ là điều cần thiết trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương cần nhanh chóng triển khai các giải pháp phù hợp và cần thiết để đảm bảo các chính sách an sinh cho người dân./.

 Linh Chi, Viễn Khánh


Lượt xem: 148

Trả lời