Nhiều người đi lễ đang phỉ báng thần thánh

Cập nhật 22/2/2014, 08:02:06

Thương mại hóa việc xin – cho ấn đền Trần, rải tiền lẻ, ném tiền, trèo leo ban thờ để tranh lộc ở các lễ hội được đánh giá là 'phỉ báng thần thánh'.

Chiều 20/2, báo cáo nhanh về tổ chức, quản lý lễ hội đầu năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, lễ hội xuân đã đi vào nề nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng cộng đồng dân cư hơn những năm trước. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được các cấp ủy, chính quyền "thực hiện hiệu quả và cơ bản đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan vãn cảnh của nhân dân".

Den-Tran-4756-1392980213.jpg

Khi phát ấn, nhà đền nhìn vào số lượng tiền khách đưa để chuyển lại số ấn tương ứng. Trung bình, mỗi lá ấn có giá 20.000 – 30.000 đồng. Ảnh: Nguyên Anh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái Cho rằng, còn nhiều biến tướng trong nghi lễ và thực hành lễ hội xuân năm nay. Ông Ái nêu ví dụ về việc, đền Trần (Nam Định) phát số lượng ấn dựa theo số tiền người dân đưa.

"Đây là việc làm phản cảm và sai lệch ý nghĩa của lễ hội", ông Ái nói và yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ giảm tính thương mại trong việc xin – cho ấn đền Trần, đồng thời hướng dẫn người dân thực hành các nghi lễ trong di tích và lễ hội, dần xóa bỏ các tồn tại của mùa lễ hội Xuân 2014.

Một biến tướng khác của lễ hội được Cục phó Văn hóa cơ sở Vương Duy Bảo nêu ra là việc "liền anh, liền chị" ở Hội Lim (Bắc Ninh) bán trầu hay ngả khay nhận tiền của du khách.

"Cơ chế thị trường khiến người dân đi lễ luôn có quan niệm "mua-bán". Họ dùng tiền làm cầu nối, “hối lộ” thánh thần. Họ rải tiền lẻ, ném tiền, trèo leo ban thờ để tranh lộc như tại đền Trần (Nam Định). Những hành động này là thô thiển, phỉ bảng thánh thần, đi trái lại đạo lý", Cục phó Bảo nói.

Những tồn tại của mùa lễ hội Xuân 2014, theo ông Bảo là tất yếu bởi ý thức của người dân khi tham gia lễ hội chưa tốt. Việc tổ chức, quản lý lễ hội ở một số địa phương chưa đồng đều, chưa hiệu quả. Ví dụ, việc Ban quản lý Phủ Tây Hồ không nhắc nhở người dân đặt tiền lễ lung tung trên ban thờ hay để tình trạng ép giá gửi xe lên 10.000-50.000 đồng cũng là điều đáng trách.

"Khi thiếu đôn đốc, sao nhãng trong tổ chức, quản lý tức là Ban tổ chức đã đồng lõa với hành vi xấu", Cục phó Vương Duy Bảo nói thêm.

an-xin-den-ba-chua-kho-2540-1392980213.j

Ăn xin, ăn mày vẫn xuất hiện nhiều dọc đường vào đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo thống kê của các địa phương, lượng khách tham gia lễ hội Xuân vẫn tăng nhanh. Hội Chùa Hương (Hà Nội) đợt cao điểm mùng 1 đến mùng 10 Tết đón trên 300.000 khách, riêng ngày khai hội mùng 6 Tết đón gần 50.000 người; hội Yên Tử (Quảng Ninh) một ngày đón trên 300.000 khách và dự kiến năm nay đón 3 triệu khách; hội đền Trần (Nam Định) đón trên 100.000 khách; hội Phủ Dày đón trên 300.000, riêng đêm khai mạc chợ Viềng mùng 7 Tết đón khoảng 20.000 khách…

Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở một số lễ hội được đánh giá chưa tốt, nạn ăn xin, cờ bạc, dùng người khuyết tật đi bán hàng tại Chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), đền Ông Hoàng Mười, đền Củi (Hà Tĩnh)… vẫn nhan nhản. Tình trạng xóc thẻ, lên đồng, khấn thuê… vẫn diễn ra ở Phủ Tây Hồ, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Mẫu (Lạng Sơn)…

Theo Bộ Văn hóa, dịch vụ đổi tiền lẻ còn diễn ra khá phổ biến một số lễ hội; tiền lễ ở một số nơi chưa được thu gom kịp thời; hiện tượng cài, giắt và xoa tiền lên tượng, rải, ném tiền lẻ lên kiệu rước, xuống giếng vẫn còn. Ý thức người tham gia lễ hội chưa cao, dẫn tới tình trạng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi. Việc tồn tại các hàng quán cạnh di tích, treo thịt gia súc, gia cầm sống gây phản cảm. Một số di tích, lễ hội trang trí nhiều đèn lồng Trung Quốc không phù hợp văn hóa Việt Nam.

Theo VN EXpress


Lượt xem: 55

Trả lời