Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Đời sống sân khấu TP.HCM là đời sống của thương trường

Cập nhật 06/9/2013, 13:09:25

 

 Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhận xét như vậy khi lý giải nguyên nhân vì sao chỉ có 1 đoàn miền Trung, không có đoàn miền Nam tham gia Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, diễn ra tại Hà Nội, từ 9-16.9.

Danh sách các đoàn dự Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ đã không đầy đủ như đăng ký lúc đầu. Tính tới ngày hôm nay (5.9), con số 14 vở với 10 đoàn nghệ thuật tham gia, cuối cùng chỉ còn 12 vở và 8 đoàn.

“Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không đủ thời gian và không đủ tài chính nên không kịp có mặt. Cải lương Đồng Tháp cũng xin thôi”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu nói.

 

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Đời sống sân khấu TP.HCM là đời sống của thương trường
Vở Mùa hạ cuối cùng do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng – Ảnh: Nhà hát cung cấp

 

 

 
 

Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ diễn ra từ 9-16.9 tại Hà Nội. Khán giả có thể mua vé tham dự tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và Rạp Công nhân.

 

 

Nhưng không chỉ có chuyện 2 đoàn đã đăng ký xin rút, còn nhiều đơn vị sân khấu khác thậm chí còn không đăng ký. Ngay từ đầu, họ đã cân nhắc và thấy không thể đủ tiền và thời gian để tham gia hội diễn này.

Nhìn lại danh sách, các đoàn phía Bắc dự thi đông đảo, và đều là các nhà hát nhà nước. Chỉ có một đoàn sân khấu ở Huế thay mặt cho miền Trung. Còn sân khấu phía Nam – nơi xã hội hóa sân khấu đang rất mạnh – là cả một khoảng trống, tuyệt nhiên không có một ai.

“Nhìn lại lịch sử, hầu hết sân khấu Nam từ trước giờ ít dựng kịch Lưu Quang Vũ”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nói.

“Chất chính luận, dự báo của Lưu Quang Vũ đầy sức sống. Chất mỹ học, triết học cũng vậy. Nhưng thị trường sân khấu phía Nam một thời gian là cười, một thời gian là nóng, một thời gian là ma… Người ta gọi đời sống sân khấu TP.HCM là đời sống của thương trường. Khán giả phía Nam khác. Đó là lý do sân khấu phía Nam không tham gia liên hoan kịch Lưu Quang Vũ”, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết thêm.

Cũng theo ông Chương, sân khấu Nam phải bán vé, phải có doanh thu để tái đầu tư. Và khi các nghệ sĩ miền Nam tính toán thấy không khả thi họ sẽ không tham gia. “Ngoài việc bỏ ra một tuần tham dự ở đây, còn phải bỏ một show diễn. Mà mục đích tối cao của họ là lợi nhuận, làm thế nào để nghệ sĩ có thể sống được”, ông Chương nói.

Tuy nhiên, theo ông Chương, dù là đoàn nhà nước, các nhà hát phía Bắc cũng phải tự lo tiền dựng vở đi thi lần này. “Kinh phí của nhà nước được đăng ký kế hoạch, và được duyệt từ trước. Nên vở diễn này không thuộc kinh phí nhà nước. Họ dàn dựng chủ yếu là bằng nhiều nguồn, cụ thể là xã hội hóa. Nguyên tắc là như thế. Đây không phải là nhà nước đầu tư tiền để làm, mà các nhà hát phải tự huy động”, ông phân tích.

Chính vì thế, theo ông Chương, việc không tham gia liên hoan kịch không phải thiệt thòi cho sân khấu phía Nam.

Tuy nhiên, nói cho cùng không phải sân khấu Nam không thiệt thòi khi không có cơ hội nhận huy chương ở Liên hoan này. Khi được tính để làm hồ sơ danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, rõ ràng những đoàn tham dự sẽ “có cửa” hơn. Các nghệ sĩ có thể không màng danh hiệu, nhưng sự tôn vinh “lệch” sẽ khiến công chúng không thật sự phục. Lúc đó, giá trị tôn vinh của danh hiệu chắc chắn khó cao.

Quan trọng hơn, sự “lệch” cân này đã diễn ra nhiều lần, nhiều năm, qua nhiều liên hoan sân khấu mà chưa có thuốc giải…

Theo Thanh niên online


Lượt xem: 58

Trả lời