Ý kiến trái chiều về đề xuất kiểm định khí thải xe máy

Cập nhật 19/7/2023, 07:07:59

Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng, kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết và đáng lẽ phải thực hiện từ lâu thì cũng có ý kiến cho rằng nếu chỉ kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy, thì xét về mặt kỹ thuật và thực tế là không quá cần thiết.

Kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết…

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Trong đó có nội dung liên quan đến đề xuất xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm tra khí thải định kỳ.

Nêu ý kiến về nội dung này, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã có phát biểu ý kiến ở nhiều diễn đàn về việc cần thiết phải quản lý phương tiện an toàn kĩ thuật đối với xe máy nói chung và đặc biệt là kiểm định khí thải đối với loại hình phương tiện này nói riêng.

Hiện nay chúng ta chưa có công cụ, thể chế đầy đủ để quản lý xe mô tô, xe gắn máy. Trong khi ô tô chúng ta đã quy định rõ đến một giai đoạn nào đó bắt buộc không được kiểm định, thải hồi hay thay thế. Nhưng với những xe mô tô, xe gắn máy cũ nát vẫn được phép hoạt động. Một trong những nguyên nhân là chưa quy định niên hạn sử dụng, muốn làm được việc này thì cần xác định chất lượng của xe. Trước kết là kiểm tra phương tiện định kỳ để xác định khí thải của phương tiện

Theo tôi hiện nay mới đưa vào Dự thảo Luật Đường bộ là muộn. Tuy nhiên, tôi rất hoan nghênh vì không còn cách nào khác mà bắt buộc phải thực hiện. Nếu tiếp tục trì hoãn thì không thể thực hiện được cam kết của Việt Nam là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, đặc biệt là đảm bảo môi trường sống trong lành của người dân”.

Ông Đức cũng cho rằng, việc thể chế hóa để quản lý xe máy là điều rất đáng hoan nghênh, rất cần thiết và cần được làm càng sớm càng tốt. Nhưng khi đưa vào thực tế sẽ không dễ để thực hiện, cần phải nghiên cứu rất kỹ, cách thức thực hiện.

“Hiện nay số lượng xe mô tô và gắn máy tại Việt Nam là rất lớn, chưa có con số chính xác nhưng ước tính mấy chục triệu phương tiện. Việc làm này chắc chắn sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều. Chưa kể điều kiện hoàn cảnh mỗi chỗ mỗi khác”, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: “Tôi rất hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải đề xuất thể chế hóa để kiểm tra khí thải định kỳ đối với mô tô, xe gắn máy. Các nước trên thế giới đã làm từ lâu, hiện nay chúng ta mới đưa vào đề xuất, tuy muộn nhưng còn hơn không”.

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Dương Tùng cần phải giải thích thêm về lợi ích với môi trường khi thể chế hóa việc làm này. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ lưỡng cách làm để không tốn thời gian, phù hợp với khả năng chi trả và lộ trình ở các thành phố, nhất là khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa.

… và không quá cần thiết phải kiểm soát khí thải xe máy

Ở góc nhìn khác, theo kỹ sư Lê Văn Tạch, bản thân những chiếc xe mô tô, xe gắn máy sử dụng động cơ đốt trong. Khi tham gia giao thông, ngoài vấn đề xả ra khí thải độc hại tới sức khỏe con người, thì còn là một trong những nguồn có thể gây mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ đề cập tới kiểm tra định kỳ với khí xả. Nếu chỉ kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy, thì xét về mặt kỹ thuật và thực tế là không quá cần thiết.

Xét về mặt kỹ thuật, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng hầu hết mô tô, xe gắn máy đều sử dụng động cơ xăng và dung tích xilanh thường khá nhỏ (trung bình khoảng 100 cm3 – chỉ tương đương khoảng 5% số với tổng dung tích xilanh của một chiếc xe ô tô phổ thông).

Quãng đường trung bình một xe mô tô, xe gắn máy đi trong một năm thường ít hơn rất nhiều so với quãng đường trung bình một chiếc ô tô di chuyển trong một năm.

Một khía cạnh khác, về mặt kỹ thuật nữa là hầu hết các động cơ xe mô tô, xe gắn máy đều là loại hút nạp khí tự nhiên nên động cơ thường khá bền.

Do vậy, tuổi thọ của động cơ mô tô, xe gắn máy thường khá dài và nó có thể hoạt động ổn định trong hàng chục năm nếu được bảo dưỡng định kỳ.

Vì vậy, theo kỹ sư Lê Văn Tạch, thay vì nguồn lực để xây dựng hàng ngàn trung tâm kiểm định khí xả xe mô tô, xe máy, Chính phủ nên ưu tiên phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ phương tiện về lợi ích của việc bảo dưỡng định kỳ cho các phương tiện xe cơ giới.

Nếu làm được điều này, không những giảm thiểu được khí thải độc hại mà còn kéo dài tuổi thọ của phương tiện, cũng như giảm thiểu được nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.


Lượt xem: 2

Trả lời