Nâng cao chất lượng nhà ở, tiếp tục xoá nhà ở tạm, nhà dột nát… là những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai để thiết thực giảm nghèo bền vững.
Đến nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước cơ bản hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Trong giai đoạn 2021-2023, địa phương này đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 78,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, Quảng Ninh huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 527 nhà ở tạm, nhà dột nát (trong đó 313 nhà xây mới và 214 nhà sửa chữa), tổng số tiền, nguyên vật liệu, hiện vật và ngày công trị giá gần 38 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Ngáp, hộ cận nghèo ở phường Phương Nam, TP Uông Bí đã sinh sống ổn định tại ngôi nhà mới vài tháng nay cho biết: “Tôi rất phấn khởi, 2 vợ chồng ở ngôi nhà cũ từ năm 1977 đến nay rồi. Nhờ Nhà nước giúp đỡ, cơ quan đoàn thể, địa phương rồi gia đình giúp đỡ xây được ngôi nhà vững chắc. Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì không thể có được, không còn phải lo nghĩ đến nhà cửa nữa, không còn gì quý hơn”.
Hết năm 2022, mặc dù Quảng Ninh đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ, nhưng theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 (cao hơn quy định của Chính phủ), tỉnh vẫn còn 246 hộ nghèo và 3.063 hộ cận nghèo. Xác định an cư chính là tiền đề quan trọng ổn định đời sống nhân dân, tháng 1/2024 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với phương châm “phát sinh đến đâu, giải quyết đến đó”.
Với vai trò chủ trì, phát huy những kinh nghiệm, cách làm chủ động, sáng tạo thành công trước đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch cụ thể để huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đồng lòng, đồng sức trong thực hiện cải thiện chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết, cải thiện chất lượng nhà ở chính là 1 trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa 246 hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo trên địa bàn. Đây cũng là nhiệm vụ mà MTTQ tỉnh Quảng Ninh đề ra để góp phần giảm nghèo bền vững, thiết thực hướng tới Đại hội MTTQ các cấp, Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 – 2029: “Để hộ nghèo thực sự là giảm nghèo theo đúng nghĩa, chúng tôi tập trung giao cho các tổ chức thành viên, cho cơ sở có định hướng về phát triển kinh tế – xã hội của vùng đồng bào còn khó khăn. Trong đó quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, Mặt trận và các đoàn thể đến tận từng hộ gia đình để hướng dẫn và tạo điều kiện, định hướng các mô hình để nhân dân phát triển kinh tế, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn không lãi, qua đó phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững”.
Thông qua rà soát, đối với hộ nghèo, năm 2024 có 22 hộ cần xây mới nhà ở được hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ, 7 hộ cần sửa chữa nhận hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, 10 hộ xây mới nhà tiêu nhận hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ, tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn xã hội hoá. Với các hộ cận nghèo, Ủy ban MTTQ các địa phương phối hợp với chính quyền cùng cấp đảm nhận giúp đỡ cải thiện chất lượng nhà ở căn cứ vào phương án giảm hộ cận nghèo của từng địa phương. Việc vận động nhân dân và triển khai xây dựng sẽ hoàn thành trong tháng 9/2024.
Lượt xem: 7