Xuân sớm ở các làng hoa ĐBSCL

Cập nhật 13/1/2014, 13:01:34

Hoa Tết đang làm lưu luyến bước chân du khách, đồng thời mở ra nhiều triển vọng đi lên cho các làng nghề.

Còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhưng đây đó ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bừng lên sắc xuân rực rỡ và ấm áp.

Rộn rịp thương lái về làng mua hoa chở đi các nơi

Từ thời điểm hơn nửa tháng trước Tết, thương lái từ khắp nơi đổ về các làng hoa đồng bằng để lấy hàng đưa ra chợ Tết. Làng hoa vốn bình lặng, thơ mộng vào hầu hết thời gian trong năm thì bây giờ trở nên khá nhộn nhịp, náo nhiệt. Từ làng hoa, xe tải, ghe lớn chở hoa, kiểng đi khắp nơi ra tận Hà Nội, lên TP HCM, đi Đà Nẵng, Rạch Giá, Kiên Giang và sang cả Campuchia…

Hầu hết các làng hoa ĐBSCL đều hình thành từ cách nay khoảng từ 50 đến 70 năm, nhưng chỉ khoảng từ 8 đến 10 năm nay mới phát triển rầm rộ, mở rộng cả quy mô trồng về diện tích, số nông hộ làm nghề và thị trường tiêu thụ.

Những người làm nghề cha truyền con nối ở làng mai vàng Phước Định cho biết, ở đây có những gia đình đến 4 đời “chơi” mai theo cách gọi thông thường của dân địa phương. Tuy nhiên, từ gần chục năm nay, nhất là từ khi được chính thức công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009 thì mai Phước Định nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhà vườn trồng mai hàng năm hái ra tiền. Người dân Phước Định học nhau làm nghề, nhà nào trồng ít thì vài chục gốc mai lớn, nhiều thì năm bảy trăm gốc, loại thường thì có giá vài triệu, loại sang hơn thì có giá đến vài trăm triệu.

Một số làng hoa đồng bằng do tốc độ đô thị hóa bị thu hẹp lại, nhưng người dân kỳ cựu thì vẫn giữ nghề và truyền cho con cháu đến nay. Họ tận dụng từng khoảng đất trống để trồng hoa như ở ấp Bình Nhựt, Bình An của phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Các cụ cao niên ở đây kể rằng, khu vực này xưa là đất ruộng, vài chục năm trước, cùng với làng hoa Thới Nhựt, người dân ở đây trồng hoa vạn thọ quanh năm, đến Tết trồng thêm nhiều giống hoa khác nữa làm vụ chính. Bây giờ, nhà cửa san sát, đường xẻ vào tận cổng nhà, dân các nơi về làm nhiều nghề khác cũng đông, nhưng rất nhiều người cũ ở đây vẫn giữ nghề trồng hoa. Làng hoa nhỏ nhưng đủ các loài hoa dân dã như cúc các loại, vạn thọ, hướng dương, trạng nguyên, đồng tiền, cát tường… đua nhau khoe sắc. Hoa trồng xen với nhà, lấp kín khoảng sân, dài theo đường nhựa, rực rỡ trên các khu đất trống…

Vụ này, ông Dương Văn Bé trồng gần 3.000 gốc vạn thọ và hướng dương, ông cho biết đã có người vào lấy hàng, giá tương đương năm ngoái. Người trồng hoa vụ tết Giáp Ngọ này lời hơi ít hơn năm trước, nhưng vui vì hàng bán được, nhà nào cũng thấy có lời.

Lải lá mai ở làng hoa Phước Định II (Vĩnh Long)

Nói đến hoa Tết đồng bằng thì đại diện nhất vẫn là làng hoa Sa Đéc và làng kiểng Cái Mơn (ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Hoa Tết ở đây tuy nhiều, nhưng chủ lực của làng nghề này vẫn là kiểng lá, kiểng trang trí cho các công trình kiến trúc lớn như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, chùa, học viện… Mỗi năm làng nghề Cái Mơn mang về lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Cái Mơn cũng là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa. Tết này, nhiều nhà vườn làng kiểng Cái Mơn chế tác thêm kiểng thú tạo hình ngựa phi – linh vật của năm Giáp Ngọ. Đây là hàng độc cung cấp cho khách hàng có biệt thự, yêu thích thiên nhiên và triết lý nhân sinh.

Anh Út Ngậm ở làng kiểng Cái Mơn cho hay, năm nay là năm Ngọ thì người làm kiểng cũng làm thêm một số ngựa đứng, ngựa chồm. Chủ yếu làm khung hoàn chỉnh, còn cây thì lựa cây tốt làm sản phẩm mới đẹp. Cây chủ yếu là cây si, cây xanh cũng có nhưng thị trường bây giờ chuộng cây si nhiều hơn.
 

Làng hoa kiểng Cái Mơn, Tết này làm thêm kiểng thú ngựa phi

Rực rỡ và sung túc nhất vẫn là các làng hoa kiểng Tân Qui Đông, Tân Khánh Đông, Tân Mỹ… của thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với hơn 3.700 hộ làm nghề. Từ 2 năm nay, Sa Đéc thực hiện quy hoạch lại vùng chuyên canh sản xuất hoa kiểng kết hợp với khai thác du lịch. Làng hoa được mở rộng hơn, dân làm nghề phấn khởi đầu tư kỹ thuật, giống mới khiến làng hoa càng đẹp hơn, sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.

Bà Tám Liên có thâm niên hơn 20 năm sửa hoa Tết ở Tân Qui Đông, Sa Đéc cho biết: “Hoa này biết làm thì dễ mà không biết thì khó. Hồi trước thì ít, bây giờ đồ từ Đà Lạt, Cái Mơn chở về quá nhiều. Mỗi một dịp Tết, chủ nhà vườn lớn trúng nhiều lắm”.

Du khách tìm mua hoa kiểng tận ruộng hoa ở Sa Đéc

Hoa Tết đồng bằng hôm nay đang làm lưu luyến bước chân du khách, đồng thời mở ra nhiều triển vọng đi lên cho các làng nghề./.

Theo VOV


Lượt xem: 26

Trả lời