Vùng hạ lưu ĐBSCL chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Cập nhật 09/11/2023, 08:11:22

Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa khô năm 2023-2024 tình hình hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp; nước mặn xâm nhập sớm và sâu hơn mức trung bình nhiều năm. Do dó, hiện nay, chính quyền và người dân các địa phương này đang khẩn trương ứng phó với thiên tai.

Để bảo vệ sản xuất của người dân các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện phía Tây, đến nay, 6 công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy đã cơ bản hoàn thành. Đó là các cống: Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn với tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Ngoài ra, cống ngăn mặn đầu kênh Xáng Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) do Bộ Nông nghiệp&PTNT làm chủ đầu tư cũng đạt gần 50% tiến độ và khi nước mặn từ sông Tiền khoảng 1 phần nghìn thì đơn vị thi công sẽ ngăn triều không cho nước mặn xâm nhập vào bên trong.

Các sở, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang vừa đi khảo sát tại các huyện phía Tây và thống nhất sẽ thi công 3 đập thép dã chiến với kinh phí khoảng 34 tỷ đồng để chặn dòng ngăn mặn tại các sông Trà Tân, Ba Rài, Phú An (huyện Cai Lậy). Như vậy, với hệ thống cống đập khép kín như những “pháo đài” ngăn mặn ở tỉnh Tiền Giang sẽ bảo vệ hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái của các huyện phía Tây, cánh đồng khóm ở vùng Đồng Tháp Mười và phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho nhà máy nước BOO Đồng Tâm của địa phương. Đối với nhà vườn trồng cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang năm nay rất yên tâm trước nguy cơ hạn mặn.

Ông Nguyễn Văn Sáu, nhà vườn trồng 1ha cây sầu riêng tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy phấn khởi cho biết: “Bây giờ thì trái cũng to rồi, đến khoảng tháng 11 sẽ thu hoạch. Ở đây có cái cống để ngăn lũ, nếu năm nay có mặn thì sẽ đóng 3 đập thép của Trà Tân, Ba Rài, Phú An, như vậy là yên tâm rồi. Mương vườn thì chuẩn bị sẵn hết, nạo vét, dọn cỏ cho thông, chuẩn bị trước sẵn sàng”.

Tại tỉnh Bến Tre, công tác phòng, chống hạn mặn đang được đặt ra hàng đầu, nhất là công tác thủy lợi. Bến Tre có 2 cống đập có quy mô lớn là Bến Rớ và Tân Phú tại đầu nguồn sông Ba Lai mới xây dựng hoàn thành, có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Ba Lai ngay mùa khô này. Dòng Ba Lai trở thành hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và cả thành phố Bến Tre.

Chợ Lách là vùng chuyên canh hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Bến Tre thường chịu tác động của nước mặn từ sông Cổ Chiên, Hàm Luông dâng cao. Chính quyền và nhân dân địa phương đang khẩn trương làm thủy lợi, đào, vét ao trữ nước ngọt để bảo vệ khoảng 8 triệu giỏ hoa Tết và hơn 1.500 ha cây sầu riêng đang cho trái.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách cho hay: “Huyện đã lập kế hoạch đưa ra 4 kịch bản để ứng phó với đợt hạn mặn này. Trong đó, tập trung theo dõi thông tin, tuyên truyền, vận động người dân mặn đến phải trữ nước, ao, trên 200 m3 nước đã có hơn 100 cái, người dân đang đào thêm nữa. Huyện Chợ Lách phải tập trung đắp đập tạm, nếu thấy khó khăn có thể vận chuyển nước ngọt về”.

Bình Đại là huyện ven biển của tỉnh Bến Tre bị ảnh hưởng nặng nề khi hạn mặn đến sớm, nhất là nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Rút kinh nghiệm từ các mùa hạn mặn đã qua, ngay từ những tháng cuối năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các ngành liên quan, các địa phương, nhất là các nhà máy nước trên địa bàn lập kế hoạch, lên phương án cụ thể ứng phó hạn mặn.

Trong đó, chú trọng công tác trữ nước bằng các vật dụng, phương tiện hiện có ở mỗi gia đình, đào ao, khai mương; kích hoạt các máy RO đã được trang bị. Trên địa bàn huyện hiện có 6 nhà máy xử lý nước với tổng công suất 1.335m3/h, 47 hệ thống máy lọc nước RO được đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn đang hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho hơn 35.200 hộ dân khi có hạn mặn xảy ra, chiếm trên 82% tổng hộ dân toàn huyện.

Những ngày qua, lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến khảo sát và kiểm tra thực tế công tác vận hành nguồn nước ngọt phục vụ cho người dân tại các nhà máy nước và hệ thống máy lọc nước RO trên địa bàn huyện, qua đó đã đề nghị các nhà máy nước, các địa phương kể từ thời điểm này tập trung triển khai kế hoạch phân phối nước hợp lý, lập phương án kích hoạt, phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân khi hạn mặn diễn ra gay gắt.

Ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết: “Về nước sinh hoạt, đã chuẩn bị các dụng cụ để trữ, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với công ty thủy nông của tỉnh để nạo vét hết các tuyến kênh, kết nối các cống giữa sông Ba Lai và sông Cửa Đại. Sông Ba Lai mà chưa bị mặn thì lấy nước từ sông Ba Lai tháo ra cửa Đại. Các nhà máy đã có nhiều phương án như thuê tất cả các đập, ao hồ của người dân để trữ nước ngọt. Hiện nay, có nhiều ao bỏ hoang nên các nhà máy phối hợp với ấp, xã thuê lại các ao này. Thứ hai, chở nước bằng sà lan, nếu năm nay có hạn mặn cao thì cũng đỡ hơn các năm trước”.

Ngành Nông nghiệp và các đơn vị quản lý cống đập, thủy lợi của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó với hạn mặn trên tinh thần không chủ quan, lơ là, với mục tiêu không để cho người dân, doanh nghiệp thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất; không để bị động, làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai bất thường.


Lượt xem: 2

Trả lời