Tuyển sinh Đại học năm 2024: Thêm ngành mới, giữ ổn định phương thức xét tuyển

Cập nhật 18/1/2024, 08:01:19

Đến thời điểm này, nhiều trường Đại học đã xây dựng và công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Nhìn chung, các trường không có nhiều biến động về phương thức tuyển sinh, chỉ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu với từng phương thức. Bên cạnh đó, một số trường cũng mở thêm một số ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Mở thêm ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội

Dự kiến năm nay, một số trường mở thêm các ngành mới phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, có thể kể đến là ngành vi mạch – bán dẫn, công nghệ năng lượng mới, các mô hình tăng trưởng xanh.

Trong đó, các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM như Đại học Bách khoa mở thêm ngành Thiết kế vi mạch, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu và 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý xây dựng, Hóa dược, Hóa mỹ phẩm. Đại học Công nghệ thông tin xét tuyển 150 chỉ tiêu với ngành mới là thiết kế vi mạch với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 (Toán – Lý – Hóa) và  A01 (Toán – Lý – tiếng Anh).

Một số trường khác cũng mở thêm ngành này trong năm 2024 gồm: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ, Đại học Công nghiệp TP.HCM,…

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Bản chất ngành thiết kế vi mạch từ trước đến nay nhà trường cũng đã đào tạo chuyên ngành, nhưng để có các phòng thí nghiệm chuyên sâu thực hiện các sản phẩm khó nên chưa phát triển được ngành. Hiện, được sự hỗ trợ của các đối tác thì nhà trường mở thành ngành riêng”.

Ông Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định cho biết, năm 2024 nhà trường mở thêm 3 chuyên ngành mới gồm: Xây dựng và quản trị kênh truyền thông độc lập, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính. Các phương thức tuyển sinh cho 48 ngành/chuyên ngành gồm: xét học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, xét điểm thi Đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức.

“Trong năm nay, nhà trường cũng tăng cường tỷ lệ xét tuyển học bạ THPT từ 60% lên 70%. Điều này cũng giúp cho học sinh có thể xét tuyển sớm và tăng tỷ lệ trúng tuyển cao hơn”, ông Trịnh Hữu Chung nói.

Ngoài ra, Đại học Mở TP.HCM cũng dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới gồm: bảo hiểm, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo và kiểm toán chất lượng cao.

 Giữ ổn định các phương thức tuyển sinh

Năm nay hầu hết các trường Đại học đều giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm 2023, tuy nhiên có điều chỉnh về tỷ lệ giữa các phương thức.

Đại học Công nghiệp TP.HCM vẫn giữ nguyên các phương thức xét tuyển năm trước gồm xét điểm thi tốt nghệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển và phần nhỏ chỉ tiêu là xét kết quả học THPT. Cụ thể, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (10% chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (50%), xét học bạ lớp 12 (30%), xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (10%). Thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển hoặc xét học bạ phải có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (lớp 12) từ 21 trở lên. Thí sinh đăng ký ngành Dược học, điều kiện là học lực lớp 12 xếp loại giỏi và tổng điểm ba môn trong tổ hợp đạt từ 24 điểm trở lên.

Đại học Luật TP.HCM năm nay tuyển 2.100 sinh viên, giữ nguyên hai phương thức xét tuyển gồm tuyển thẳng và xét tuyển sớm theo đề án riêng; xét tuyển dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong đó, 55% chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (2023 là 60%), còn lại là xét tuyển sớm.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết, năm 2024, trường giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm trước. Cụ thể, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 50- 60% chỉ tiêu, xét tuyển bằng học bạ từ 20 – 30% chỉ tiêu (từ 20 điểm trở lên), khoảng 10-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM mức điểm từ 650 điểm (cho các ngành: Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Marketing và Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc), 600 điểm cho các ngành khác và xét tuyển thẳng tối đa 10% chỉ tiêu. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ dự kiến vào đầu tháng 3.

“Trường năm nay dự kiến tổng chỉ tiêu  khoảng 6.500-7.000 chỉ tiêu. So với năm 2023 sẽ tăng khoảng từ 200-300 chỉ tiêu”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, các trường cũng điều chỉnh tăng tỷ lệ đối với các phương thức xét tuyển riêng của trường như Đại học Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường, Đại học Ngân hàng cũng điều chỉnh tỷ lệ với phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính.


Lượt xem: 3

Trả lời