TPHCM: Bệnh viện chủ động rà soát công tác chạy thận nhân tạo

Cập nhật 31/5/2017, 08:05:23

Bệnh viện Thủ Đức cho biết sẽ chủ động rà soát lại công tác này nhằm tăng cường chống sốc phản vệ đối với người chạy thận.

Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm chạy thận nhân tạo ở trạm y tế phường. Bệnh viện Thủ Đức cho biết sẽ chủ động rà soát lại công tác này nhằm tăng cường chống sốc phản vệ đối với người chạy thận.

Bác sĩ Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: Hiện đơn vị này đang chạy thận cho 130 bệnh nhân tại bệnh viện với 4 ca mỗi ngày. Còn tại phòng khám đa khoa vệ tinh đặt ở trạm y tế Bình Chiểu đang chạy cho 10  người. Đây là mô hình chạy thận nhân tạo thí điểm đầu tiên của cả nước đặt ở trạm y tế phường, nhưng phải đảm bảo phác đồ theo tiêu chuẩn quốc tế như Bộ Y tế đã ban hành. Các bác sĩ và điều dưỡng phải theo dõi trực tiếp trong quá trình chạy thận nhân tạo. Ở cả bệnh viện và trạm y tế đều được trang bị đầy đủ hộp thuốc chống sốc, những trang thiết bị phục vụ cho việc hỗ trợ chống sốc, kịp thời cứu sống bệnh nhân.

tphcm benh vien chu dong ra soat cong tac chay than nhan tao hinh 1
Vụ 18 người chạy thận nghi sốc phản vệ ở Hòa Bình vừa qua khiến dư luận xôn xao. Ảnh: Dân Trí.

Theo bác sĩ Liêm, vấn đề sốc phản vệ ở bệnh nhân chạy thận tỷ lệ không cao, ở Bệnh viện quận Thủ Đức cũng đã xảy ra 1 vài trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố dị nguyên, những tác động từ bên ngoài, bệnh nhân có các dấu hiệu ngứa, nổi mề đay hoặc đau bụng buồn nôn, chóng mặt… Quan trọng là phát hiện và xử lý cấp cứu kịp thời. Các điều dưỡng nếu phát hiện nhanh chóng bệnh nhân có các biểu hiện sốc phản vệ thì được trực tiếp xử lý tại chỗ, không cần thông qua cấp trên.

Còn theo Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức thì tại trạm y tế phường Bình Chiểu, ngay khi bắt đầu đưa ra các hoạt động để triển khai trạm y tế chạy thận đầu tiên thì được tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ việc xây dựng quy trình, hệ thống máy lọc nước, xét nghiệm nguồn nước đảm bảo….đều phải đảm bảo đúng quy định và thường xuyên phải có sự giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là hệ thống nước.

Bác sĩ Ngọc nói: “Đơn vị tại trạm y tế là phải thường xuyên kiểm tra thường xuyên về các hệ thống máy, hệ thống nước, xét nghiệm thường xuyên. Thường xuyên bảo trì hệ thống máy móc, máy lọc nước RO để lọc thận cho bệnh nhân”./.

Theo VOV


Lượt xem: 35

Trả lời