TP.HCM sẽ bắn pháo hoa, nhiều địa phương tổ chức lễ hội dịp 30/4 và 1/5

Cập nhật 21/4/2023, 08:04:02

TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2023). Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã chuẩn bị tổ chức lễ hội dịp lễ này.

TP.HCM sẽ bắn pháo hoa dịp lễ 30/4

Phóng viên Hà Khánh/VOV-TPHCM cho biết: Dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023) và 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2023); kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023), TP.HCM sẽ bắn pháo hoa 15 phút vào đêm 30/4.

Tại họp báo định kỳ của UBND TP vào chiều 20/4, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM cho biết, TP sẽ bắn pháo hoa tại hai địa điểm là đầu đường hầm sông Sài Gòn (tầm cao) và Công viên Văn hóa Đầm Sen, Quận 11 (tầm thấp). Thời gian bắn pháo hoa từ 21h đến 21h15 ngày 30/4/2023.

Ngoài ra, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tại TP.HCM còn diễn ra nhiều sự kiện khác, như triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương”, Ngày hội “Non sông thống nhất” tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ; viếng Nghĩa trang Thành phố; Lễ dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng; giải việt dã truyền thống 30/4…. Chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức vào lúc 19h ngày 28/4 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ…

Nhiều điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Mộc Châu dịp lễ 30/4 – 1/5

Theo phóng viên Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc: Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, mà còn là điểm hẹn với nhiều sự kiện hấp dẫn dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay.

Là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới, Mộc Châu hấp dẫn du khách bởi bốn mùa hoa, trái. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là thời điểm Mộc Châu bước vào vụ thu hoạch các loại quả như đào, mận hậu… Đây là cơ hội để du khách được trải nghiệm hái quả và thưởng thức đặc sản cây trái của địa phương.

Cùng với đó là nhiều khu, điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng; như Khu du lịch Mộc Châu Island với Cầu kính Bạch Long được chứng nhận kỷ lục Guinness “Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới”, Rừng thông bản Áng, Thác Dải Yếm, Đồi chè trái tim, đỉnh Pha Luông, các bản du lịch cộng đồng…

Đặc biệt, trong 2 ngày 29 và 30/4, tại Khu du lịch Mộc Châu Island, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu sẽ diễn ra sự kiện âm nhạc “Trên tầng mây 2023 – Màu thời gian” . Đây là sự kiện âm nhạc quy mô lần đầu được tổ chức, gắn với quảng bá hình ảnh, sắc màu văn hóa của Mộc Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.

Anh Hoàng Mạnh Duy, Trưởng phòng kinh doanh Khu du lịch Mộc Châu Island cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng về cơ sở vật chất cũng như mọi điều kiện để có thể đón lượng khách rất đông đến với cao nguyên Mộc Châu dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay. Công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng được chúng tôi nghiêm túc triển khai trong dịp cao điểm”.

Mộc Châu hiện có hơn 270 cơ sở lưu trú; trên 340 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm… Các phương án đảm bảo phòng chống dịch, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại các khu, điểm du lịch đã được triển khai, sẵn sàng đón lượng khách lớn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Dịp Lễ 30/4 và 1/5 về Cần Thơ thưởng thức Lễ hội Khinh khí cầu đầy màu sắc

Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL đưa tin: Nhân kỷ niệm Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 âm lịch), 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), 137 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5 và 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), từ ngày 29/4 – 3/5 tới, tại Sân vận động Cần Thơ và Cảng Cái Cui, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu năm 2023 “Bay lên Cần Thơ! Tự hào quê hương gạo trắng nước trong”.

Lễ hội quy tụ 30 khinh khí cầu các loại gồm 6 quả khinh khí cầu cấp 7. Trong đó, có 3 quả bay treo, 2 quả bay tự, 1 quả khinh khí tham quan; 20 quả khinh khí cầu cấp 1 bay treo và 4 khinh khí cầu trang trí mặt đất. Đồng thời, còn có 4 – 5 dù lượn động cơ, 1 máy bay cánh vải và 3 fly cam.

Đặc biệt, ban tổ chức bố trí 1 khinh khí cầu thổi phồng để du khách tham quan, hoạt động từ 3 – 5 giờ trong ngày. Mỗi lần có thể chở từ 20 – 30 người, tham quan từ 4 – 6 phút.

Trong khuôn khổ Lễ hội còn có nhiều hoạt động để người dân Cần Thơ và du khách trải nghiệm thêm như: 3 đêm hoa đăng khinh khí cầu (các khinh khí cầu được dựng dưới đất rồi dùng kỹ thuật làm phát sáng như đèn lồng khổng lồ tại sân vận động Cần Thơ ngày 30/4, tại phố đi bộ Bến Ninh Kiều ngày 1/5 và tại đường Sông Hậu, phường Cái Khế ngày 2/5, với thời gian 60 – 90 phút); Thả lá đại kỳ tại Đền thờ Vua Hùng TP. Cần Thơ; Tham quan khinh khí cầu, vào 2 khung giờ: 7 giờ -10 giờ và 15 giờ – 17 giờ mỗi ngày (từ ngày 30/4 đến 03/5/2023).

Ông Hoàng Ngọc Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ Sài Gòn Chiến Thắng (đơn vị thực hiện bay khinh khí cầu) thông tin để phục vụ cho sự kiện, công ty sử dụng khoảng 50 phi công và kỹ thuật viên khinh khí cầu để điều khiển các khinh khí cầu.

Lễ hội diễn ra trong dịp Lễ 30/4 nên sẽ có một hoạt động đầy ý nghĩa là hơn 1.000 người sẽ tham gia chào cờ với lá cờ Tổ quốc 1.800m2 tại sân vận động Cần Thơ.

“Ngày 28/4, lá cờ này sẽ được bày một phần ở trên sân vận động Cần Thơ để mời mọi người ký tên trên lá cờ. Lá cờ này cũng đã ghi lại rất nhiều chữ ký của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Kỳ này mọi người chào cờ với lá cờ được nâng ngang ngực, ít nhất là 1000 người cầm ngang ngực. Chúng tôi đã có những hạt nhân khoảng 500 – 600 thanh niên, sau đó bất cứ ai ăn mặc chỉnh tề đều có thể xuống sân cầm lá cờ để hòa vào buổi chào cờ đặc biệt. Khi Quốc ca vang lên, những khinh khí cầu sẽ bay lơ lửng xung quanh sân vận động”, ông Nam cho biết.

Lễ hội khinh khí cầu tại TP. Cần Thơ là hoạt động mang tính thử nghiệm, nếu thuận lợi, có thể phát triển thành lễ hội thường kỳ hàng năm. Hoạt động sẽ tạo điểm nhấn góp phần kích cầu thương mại và du lịch, thu hút khách tham quan; đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn thành phố vào các dịp lễ, kỷ niệm./.


Lượt xem: 6

Trả lời